Khi mùa giải đi qua

Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2019 đã kết thúc với ngôi vô địch thuộc về Hà Nội FC và đội á quân là CLB TP Hồ Chí Minh.

Tuy giành ngôi á quân nhưng CLB TP Hồ Chí Minh (áo màu nhạt) chẳng có cầu thủ nào là tuyển thủ quốc gia. Ảnh: LÊ MINH
Tuy giành ngôi á quân nhưng CLB TP Hồ Chí Minh (áo màu nhạt) chẳng có cầu thủ nào là tuyển thủ quốc gia. Ảnh: LÊ MINH

Đây là hai đội bóng có thành tích khá ổn định trong suốt mùa giải, đặc biệt là Hà Nội FC, đã chứng tỏ sức mạnh thuyết phục khi ngoài việc tham gia V-League 2019 còn phải cung ứng cầu thủ cho đội tuyển quốc gia và tham gia giải đấu của AFC nhưng vẫn giữ được phong độ cho đến cuối mùa giải. Ở chiều ngược lại, Sanna Khánh Hòa (hạng 3 V-League 2018) xuống hạng, trong khi Thanh Hóa (á quân V-League 2018) phải tranh suất dự V-League 2020 ở trận play-off với Phố Hiến đội vô địch hạng nhất. Việc hai đội tốp đầu của mùa giải 2018 có thành tích “lao dốc” thảm hại ở mùa giải 2019 chẳng phải tin vui, nhưng đó là kết quả hoàn toàn hợp lý.

Bên cạnh những chuyện hợp lý, cũng còn đó những nghịch lý. Đó là trường hợp đội Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), với nửa đội hình là tuyển thủ quốc gia nhưng lận đận đến suýt xuống hạng, trong khi CLB TP Hồ Chí Minh chẳng có cầu thủ nào là tuyển thủ quốc gia thì lại đoạt ngôi á quân. Trường hợp Minh Vương (HAGL) trở thành “Vua phá lưới” V-League 2019 do đó trở thành chuyện bi hài, bởi hiếm khi nào cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải lại nằm ở đội bóng thường xuyên đứng cuối bảng xếp hạng.

V-League 2019 cũng chứng kiến những vấn đề nổi cộm như công tác trọng tài yếu kém, nhiều trận đấu trọng tài bị kêu ca vì điều khiển thiếu công minh. Hành vi cổ động viên quá khích, đốt pháo trên các khán đài đã đến mức nguy hiểm, với trường hợp cổ động viên Nam Định bắn pháo gây bỏng nặng cho khán giả trên sân Hàng Đẫy. Các tuyển thủ hầu như không thể hiện được các phẩm chất chuyên môn như khi ở đội tuyển do bị quá tải...

Ở mùa giải năm sau, có lẽ sẽ có sự đột phá trong công tác điều hành giải khi công nghệ VAR chính thức được FIFA cho phép áp dụng. Dù vậy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất, bởi trọng tài sẽ quyết định có sử dụng kết quả của VAR hay không. Yếu tố con người, xét cho cùng phụ thuộc vào việc chúng ta tiến hành chuyên nghiệp hóa bóng đá tới đâu, và nếu bộ máy vẫn còn thiếu chuyên nghiệp thì những “vấn đề nổi cộm” nói trên sẽ còn tiếp tục xảy ra dài dài.