Thời hoàng kim trở lại?

Lần đầu trong lịch sử bóng đá châu Âu, bốn CLB cuối cùng lọt vào chung kết hai giải đấu danh giá nhất châu lục đều đến từ một giải VĐQG. Dường như nước Anh đã “thay chân” Tây Ban Nha để tái lập thời kỳ hoàng kim ở lục địa già.

Trận chung kết Champions League toàn Anh giữa Tottenham và Liverpool sắp diễn ra ở Madrid.
Trận chung kết Champions League toàn Anh giữa Tottenham và Liverpool sắp diễn ra ở Madrid.

Đúng 11 năm sau trận chung kết Champions League toàn Anh giữa Man United và Chelsea, “xứ sở sương mù” lại được chứng kiến điều tương tự khi Liverpool tranh ngôi vương cùng Tottenham. Chưa hết, tại Europa League, Arsenal và Chelsea cũng “hẹn” nhau trong trận phán quyết. Nói một cách hình tượng, Quốc kỳ Anh đã che phủ bóng đá châu Âu.

Chuyện này gợi nhớ giai đoạn 2006-2009, khi Anh “làm mưa làm gió” với ba năm liền sở hữu tới ba trong bốn đội lọt vào bán kết Champions League. Cụ thể, hai mùa 2006-2007, 2007-2008 đều là Man United, Chelsea và Liverpool. Mùa 2008-2009, Liverpool được thay bằng Arsenal. Đây cũng là năm đánh dấu nỗi đau không thể phai nhòa của các CĐV Chelsea, khi chiếc vé đi tiếp của họ bị trọng tài Tom Henning Ovrebo tước đoạt trắng trợn ở trận bán kết lượt về. Nếu mọi thứ không chống lại Chelsea, nước Anh đã có hai cuộc “nội chiến” liên tiếp tại chung kết Champions League.

Kể từ đó, Tây Ban Nha làm chủ bóng đá châu Âu với sự có mặt của hai siêu sao Messi và Ronaldo. Mười mùa gần nhất (tính cả mùa này), Barca - Real thay nhau vô địch bảy lần. Chỉ Inter (2010) và Bayern (2013) “chen” được vào chuỗi thống trị của họ.

Bây giờ, khi Real suy yếu sau cú “hat-trick đăng quang”, Juve vẫn chưa thể “phá dớp” còn Barca đã loay hoay vài mùa vì chuyển giao thế hệ, bóng đá Anh đang trở lại. Trong lúc các giải VĐQG đang chững lại, Premier League vẫn phát triển mạnh mẽ.

Những HLV, cầu thủ hàng đầu đã đến, đem lại chất lượng cao và sự đa dạng về chiến thuật; truyền thống bóng đá tốc độ nhanh, giàu tính cống hiến được duy trì; các SVĐ luôn đầy ắp khán giả... Tổng hòa những yếu tố này làm nên một giải vô địch hấp dẫn nhất hành tinh, nơi nguồn tiền thương mại, dịch vụ liên quan bóng đá liên tục đổ về, “nuôi” các CLB sống khỏe.

Xét riêng tiền bản quyền truyền hình, Premier League gấp hai lần La Liga (3 tỷ bảng Anh so 1,5 tỷ bảng). Với chính sách phân chia đồng đều, các CLB Anh từ nhỏ đến lớn nhận khoảng 100 triệu euro/mùa, “ăn đứt” so các đội tầm trung của La Liga (hơn 40 triệu euro/mùa). Tính cạnh tranh ngày càng cao, từ “Big Four”, giải Ngoại hạng hình thành “Big Six”. Dễ hiểu vì sao hai CLB tranh Europa League (Arsenal và Chelsea) có thực lực tương đối vượt trội phần còn lại: Họ bị đẩy xuống sân chơi vốn dành cho những CLB hạng “khá”.

Tất nhiên, bóng đá Anh có vấn đề của riêng mình. Nhưng với nền tảng và lộ trình hiện tại, họ có thể tiếp tục tiến sâu tại các cúp châu Âu những mùa tới. Nhất là khi đã từ lâu cuộc đua vô địch ở Pháp, Đức hay Italia không còn được để ý, do trình độ quá chênh lệch giữa kẻ dẫn đầu và phần còn lại.