Tranh chấp thương mại Trung Quốc - Australia

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 29-11 thông báo, chính phủ nước này đang xem xét đệ đơn kháng cáo lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về tranh chấp thương mại với Trung Quốc gần đây, đồng thời cam kết hỗ trợ các nhà sản xuất trong nước bị ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt thương mại của Bắc Kinh.

Thịt bò và nhiều mặt hàng khác của Australia bị Trung Quốc áp thuế cao. Ảnh: SMH
Thịt bò và nhiều mặt hàng khác của Australia bị Trung Quốc áp thuế cao. Ảnh: SMH

Thủ tướng Australia thừa nhận đã có những căng thẳng trong mối quan hệ song phương, sau khi Trung Quốc áp đặt mức thuế tạm thời 212% đối với rượu vang xuất khẩu của Australia kể từ ngày 28-11, với lý do các sản phẩm này bị bán phá giá vào Trung Quốc. Trước đó, Trung Quốc áp đặt thuế chống bán phá giá và trợ cấp nhà nước lên tới 80,5% đối với lúa mạch Australia, đình chỉ nhập thịt bò từ năm nhà máy chế biến hàng đầu của đối tác. Mới đây nhất, Trung Quốc đã đình chỉ một số hoạt động nhập khẩu gỗ từ bang Victoria, sau khi phát hiện có sâu bệnh trong gỗ.

Về phần mình, Chính phủ Australia hồi đầu tháng này cũng thông báo đã ngừng xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc, thị trường tiêu thụ tôm hùm bông lớn nhất của Australia, sau khi Bắc Kinh áp đặt quy định kiểm tra hải quan mới với hải sản tươi sống. Trước đó, hồi giữa tháng 10, Chính phủ Australia đã yêu cầu Trung Quốc không thực hiện “hành động phân biệt đối xử” sau khi nhận được thông tin các nhà máy sản xuất sợi của Trung Quốc có kế hoạch dừng nhập khẩu bông có nguồn gốc từ Australia.

Phát biểu ý kiến trên đài truyền hình ABC ngày 29-11, Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham nhấn mạnh, việc kêu gọi trọng tài quốc tế giúp giải quyết những tranh chấp là một biện pháp cần thiết và Chính phủ Australia đang chuẩn bị đầy đủ bằng chứng cho việc kháng cáo lên WTO. Đồng thời, Chính phủ Australia nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thông qua việc đàm phán các thỏa thuận thương mại mới với Anh và Liên hiệp châu Âu (EU), để mở rộng cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp và người sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2019 đạt 170 tỷ USD. Theo số liệu của Chính phủ Australia, doanh số bán rượu vang của nước này sang Trung Quốc trong năm ngoái đạt mức kỷ lục 900 triệu USD, đưa Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của “xứ sở chuột túi”. Do vậy, căng thẳng thương mại song phương sẽ ảnh hưởng mạnh tới các nhà sản xuất và xuất, nhập khẩu hai nước. Ngay sau khi Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo tăng thuế với rượu vang xuất khẩu của Australia, cổ phiếu của nhà sản xuất rượu vang lớn nhất Australia là Treasury Wine Estates đã lao dốc hơn 11%.