Thổ Nhĩ Kỳ bác tuyên bố ngừng bắn ở Syria

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan đã bác đề xuất của Mỹ làm trung gian cho một thỏa thuận ngừng bắn ở miền bắc Syria. Ông cho biết, điều kiện của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng bắn là khi nước này quét sạch khủng bố ở khu vực biên giới, ám chỉ các lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thành phố Manbij của Syria. Ảnh: VOA NEWS
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào thành phố Manbij của Syria. Ảnh: VOA NEWS

Theo kế hoạch, Phó Tổng thống Mỹ M.Pence và Bộ trưởng Ngoại giao M.Pompeo tới Ankara và có cuộc gặp Tổng thống Erdogan trong ngày hôm nay (17-10) để hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ ngừng chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng vũ trang người Kurd ở Syria. Phó Tổng thống Pence cũng khẳng định sẽ thúc đẩy đạt thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức và sẽ áp đặt trừng phạt kinh tế với Ankara cho đến khi đạt được một giải pháp.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington đang gia tăng sức ép đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời có thể áp đặt thêm trừng phạt để thuyết phục Ankara chấm dứt chiến dịch tiến công miền bắc Syria nếu cuộc khủng hoảng không được giải quyết. Trước đó, Tổng thống Mỹ D.Trump đã ký một sắc lệnh ban hành các biện pháp trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ liên quan chiến dịch quân sự của Ankara nhằm vào người Kurd. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ L.Graham cho biết, ngày 17-10 sẽ đề xuất dự luật trừng phạt hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria.

Hiện Liên hiệp châu Âu (EU) chưa có kế hoạch áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các nước thành viên EU phản đối chiến dịch quân sự của Ankara tại Syria. Tiếp theo Pháp và Đức, Tây Ban Nha - quốc gia xuất khẩu vũ khí chủ chốt tới Thổ Nhĩ Kỳ, quyết định đình chỉ hoạt động cung cấp các thiết bị quân sự cho Ankara. Chính phủ Tây Ban Nha yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt chiến dịch quân sự gây nguy hiểm cho sự ổn định trong khu vực, làm gia tăng số người tị nạn và đe dọa toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho rằng, những mối quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ phải được giải quyết bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao, thay vì thông qua những hành động quân sự.

Trong khi đó, Bộ Các vấn đề quốc tế của Canada (GAC) thông báo Ottawa đã tạm dừng cấp phép xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ. GAC lên án hành động đơn phương của Thổ Nhĩ Kỳ đang làm trầm trọng thêm tình trạng nhân đạo tại đây, đồng thời ảnh hưởng những thành quả mà Liên minh toàn cầu chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã đạt được. GAC kêu gọi bảo vệ dân thường và đề nghị các bên tôn trọng nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế.