OPEC+gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng dầu

Nhóm gồm 14 thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), cùng các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới ngoài OPEC (gồm Nga, Kazakhstan, Malaysia và Mexico) đã nhất trí gia hạn chín tháng đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu, vốn hết hiệu lực hôm 30-6. Quyết định trên của các nước OPEC và đối tác, còn gọi là OPEC+, được cho là giúp ổn định giá dầu thế giới.

Bộ trưởng Năng lượng Nga phát biểu ý kiến tại cuộc họp của OPEC ở Vienna. Ảnh: REUTERS
Bộ trưởng Năng lượng Nga phát biểu ý kiến tại cuộc họp của OPEC ở Vienna. Ảnh: REUTERS

Phát biểu ý kiến sau các cuộc họp diễn ra liên tiếp trong các ngày 1 và 2-7, tại Vienna (Áo), Chủ tịch OPEC là Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Manuel Quevedo, cùng Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đều khẳng định, tất cả các nước trong và ngoài OPEC đều ủng hộ kéo dài việc thực thi thỏa thuận đạt được hồi tháng 12 năm ngoái, đến tháng 3-2020. Ngay sau diễn biến nêu trên, giá dầu thô trên thị trường thế giới đã tăng, trong đó giá dầu WTI có lúc trở lại mức hơn 60 USD/thùng, lần đầu trong một tháng qua.

Saudi Arabia và Nga, đóng vai trò chủ chốt OPEC+, tin rằng việc cắt giảm sản lượng dầu có thể giúp duy trì giá dầu ở mức 70 USD/thùng, mức được cho là hợp lý đối với hầu hết các nhà xuất khẩu dầu và có thể giúp khôi phục trạng thái cân bằng của thị trường năng lượng, ngăn chặn nguy cơ tái diễn tình trạng mất cân đối trên thị trường. Kể từ ngày 1-1-2019, OPEC+ đã thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày. Mức cắt giảm nguồn cung được các nước OPEC chấp thuận là 800.000 thùng/ngày, song báo cáo cho thấy các nhà sản xuất thậm chí còn cắt giảm sâu hơn.

Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu yếu đi kéo theo nhu cầu năng lượng giảm, trong khi sản lượng khai thác dầu đá phiến của Mỹ lại tăng vọt. Có thể thấy động thái tiếp tục giảm sản lượng của OPEC+ trước hết nhằm giữ ổn định, giảm biến động của giá dầu, đồng thời giúp OPEC kiểm soát nguồn cung dầu của thế giới để đối phó tình trạng dư cung trên thị trường, vừa bảo đảm lợi ích chung của các nước sản xuất dầu trong khi vẫn duy trì đủ nguồn cung cho thị trường toàn cầu.

Một loạt dấu hiệu không mấy sáng sủa của kinh tế thế giới trong thời gian qua là “chất xúc tác” để OPEC và các đối tác đi đến quyết định gia hạn thỏa thuận giảm sản lượng. Ngoài ra, mối lo ngại nhu cầu năng lượng toàn cầu suy giảm do hậu quả từ tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc, cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế, đã phần nào tác động tới các quyết sách của OPEC+.

Về lý thuyết, quyết định của OPEC+ có thể đẩy giá dầu thô đi lên. Tuy nhiên, nhiều khả năng Mỹ sẽ có hành động can thiệp nhằm điều chỉnh giá dầu xuống mức mong muốn. Ngoài ra, những căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể tiếp tục tác động mạnh đến giá dầu thế giới.