Mỹ xem xét lại Hiệp ước bầu trời mở

Sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đệ trình lên Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga dự luật về việc rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo sẽ xem xét việc rút khỏi hiệp ước quốc phòng này của chính quyền tiền nhiệm. Tuy nhiên, Mỹ chưa ra quyết định về việc có tham gia trở lại Hiệp ước bầu trời mở hay không.

Một chuyến bay giám sát của Nga và Đan Mạch trong khuôn khổ Hiệp ước bầu trời mở. Ảnh: OSCE
Một chuyến bay giám sát của Nga và Đan Mạch trong khuôn khổ Hiệp ước bầu trời mở. Ảnh: OSCE

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price kêu gọi Nga có những biện pháp trở lại tuân thủ hiệp ước. Mỹ có động thái trên sau khi Tổng thống Putin chỉ định Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov làm đại diện chính thức khi Quốc hội Liên bang Nga xem xét dự luật này. 

Hiệp ước bầu trời mở được ký kết năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, cho phép 35 quốc gia thành viên, trong đó có Nga và Mỹ, thực hiện các chuyến bay giám sát trong không phận của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau theo các hạn ngạch bay đã được thống nhất từ trước. Tuy nhiên, cả Moscow và Washington thường xuyên cáo buộc nhau vi phạm thỏa thuận. 

Cuối tháng 11-2020, Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở - một trong nhiều thỏa thuận quốc tế mà Mỹ đã quyết định rút khỏi dưới thời Tổng thống Donald Trump. Đầu năm 2021, Nga cũng thông báo khởi động các thủ tục trong nước để rút khỏi hiệp ước, viện dẫn lý do “thiếu tiến bộ” trong việc duy trì hiệp ước sau khi Mỹ rút khỏi khuôn khổ này. 

Hồi tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đề nghị Mỹ sớm khẳng định rõ lập trường về Hiệp ước bầu trời mở. Theo đó, trong trường hợp đến cuối tháng 5, Mỹ không xem xét lại quan điểm về hiệp ước, Nga sẽ gửi công hàm về việc rút khỏi hiệp ước này tới các bên liên quan. Thứ trưởng Ryabkov tuyên bố, Nga sẵn sàng trở lại hiệp ước này nếu Mỹ có bước đi tương tự. Tuy nhiên, Moscow cũng nhận định rằng Washington chưa lưu tâm việc quay trở lại hiệp ước, mà chỉ tìm cách trì hoãn giải quyết vấn đề này.

Trước động thái của Nga và Mỹ,  Đức bày tỏ lấy làm tiếc về việc các cường quốc rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở, cho rằng đây là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu và sẽ tác động tới an ninh khu vực. Đức và nhiều nước châu Âu đều nhấn mạnh cam kết tuân thủ và thực thi đầy đủ hiệp ước.