Kêu gọi đối thoại về Hiệp ước Bầu trời mở

Trong bước đi đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST), Nga thông báo kế hoạch rút khỏi OST. Lập tức, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó có Đức, kêu gọi duy trì đối thoại mang tính xây dựng nhằm duy trì văn kiện quốc tế này.

Chuyến bay phối hợp giám sát của một số thành viên OST. Ảnh: OSCE
Chuyến bay phối hợp giám sát của một số thành viên OST. Ảnh: OSCE

Trang mạng Sputnik News của Nga dẫn nguồn Bộ Ngoại giao nước này ngày 15-1 cho biết, Moscow đã khởi động các thủ tục để rút khỏi OST, với lý do “thiếu tiến triển” trong việc thực thi và duy trì bản hiệp ước này sau khi Mỹ rút đi. Nga sẽ chính thức ngừng tham gia OST vào thời điểm sáu tháng sau khi thông báo quyết định trên tới các thành viên Hiệp ước. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng, sau khi Mỹ rút khỏi OST, thế cân bằng lợi ích giữa các nước đã bị xáo trộn đáng kể, trong khi một số thành viên không ủng hộ các đề xuất của Nga nhằm duy trì Hiệp ước trong điều kiện chiến lược mới.

OST được ký năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002, với 34 nước tham gia. Với cơ chế “mở cửa bầu trời”, Hiệp ước cho phép các nước thành viên thực hiện chuyến bay giám sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau, công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự của nhau. OST được cho là thúc đẩy xây dựng, củng cố lòng tin ở châu Âu giai đoạn đầu sau chiến tranh lạnh, song trong quá trình thực thi Hiệp ước, Nga và Mỹ nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm các quy định theo OST. Ngày 22-11-2020, Mỹ cũng chính thức chấm dứt tuân thủ OST, sau khi hoàn tất thủ tục rời đi trong sáu tháng. Nga, Đức và Trung Quốc từng chỉ trích, hành động của Mỹ ảnh hưởng xấu tới các nỗ lực và cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu.

Đức bày tỏ tiếc trước kế hoạch của Nga rút khỏi OST, cảnh báo đây là bước thụt lùi đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu, tác động tiêu cực tới an ninh và lòng tin ở Bắc bán cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ, các nước thành viên OST đã đồng ý cân nhắc về các đề xuất mới của Nga sau khi Mỹ rút lại cam kết. Trong thư chung gửi Nga hồi tháng 12-2020, các Bộ trưởng Ngoại giao 15 nước châu Âu đã khẳng định thực thi đầy đủ OST. Đức sẽ tiếp tục tuân thủ OST và thúc đẩy nỗ lực hiện đại hóa cơ chế kiểm soát vũ khí ở châu Âu.

Bên cạnh kêu gọi Nga đối thoại, Người phát ngôn NATO cảnh báo, việc Nga ngừng tuân thủ các nghĩa vụ theo OST có thể làm suy yếu cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu, làm giảm tác động quan trọng của Hiệp ước này đối với an ninh, ổn định ở cả châu Âu và khu vực Đại Tây Dương.