Bất ổn chính trị tại Bulgaria

Bulgaria đang đối mặt nguy cơ phải tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn ngay trong tháng 7 tới, do đảng Xã hội chủ nghĩa Bulgaria (BSP) từ chối tham gia chính phủ mới.

Quốc hội Bulgaria đang bị chia rẽ liên quan nhiều vấn đề. Ảnh: EURO NEWS
Quốc hội Bulgaria đang bị chia rẽ liên quan nhiều vấn đề. Ảnh: EURO NEWS

Đây là chính đảng thứ ba từ chối lãnh đạo Chính phủ Bulgaria sau cuộc bầu cử Quốc hội hồi đầu tháng 4. Trong cuộc bầu cử này, có sáu đảng và liên minh có ghế tại Quốc hội khóa mới, trong đó liên minh Công dân vì sự phát triển châu Âu (GERB) đứng đầu với 26,18% số phiếu bầu. Đảng ITN đứng thứ hai với 17,66% số phiếu bầu, đảng BSP đứng thứ ba với 15,01% số phiếu. 

BSP tuyên bố không thể thành lập phe đa số cần thiết trong một Quốc hội chia rẽ và sẽ lập tức trả lại quyết định ủy quyền sau khi Tổng thống Rumen Radev dự kiến sẽ trao cho đảng này vào ngày 5-5 tới.  Trước đó, Thủ tướng được chỉ định Daniel Mitov đã trả lại sự ủy quyền thành lập chính phủ cho Tổng thống Rumen Radev, sau khi hai phái chính trị mà GERB tìm kiếm liên minh từ chối đàm phán.

Trong khi đó, đảng ITN đối lập cùng hai đảng mới được thành lập đã giành được sự tín nhiệm của người dân, song cả ba đảng trên không hội đủ số ghế cần thiết để thành lập chính phủ, cũng như từ chối liên minh với GERB và BSP. Như vậy, Tổng thống Rumen Radev sẽ đối mặt khả năng phải giải tán Quốc hội, chỉ định một chính phủ lâm thời và yêu cầu tổ chức bầu cử sớm trong vòng hai tháng, nhiều khả năng sẽ diễn ra vào ngày 11-7.  

Giới phân tích lo ngại, bất ổn chính trị kéo dài có thể cản trở nỗ lực của Bulgaria nhằm bắt đầu khôi phục lại nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Bulgaria đang chứng kiến những bước đầu tiên trong giai đoạn cuối của làn sóng dịch thứ ba. Đợt dịch này được xem là gây ảnh hưởng nặng nề tới Bulgaria, khi nước này có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao thứ hai trong Liên hiệp châu Âu (EU). Tính tới ngày 2-5, quốc gia gần bảy triệu dân này đã ghi nhận khoảng 405 nghìn ca mắc Covid-19, trong đó 16,4 nghìn ca tử vong. 

Theo các nhà phân tích, việc Bulgaria sớm thành lập được chính phủ mới có ý nghĩa quan trọng, giúp vực dậy nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và khai thác hiệu quả quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (khoảng 885 tỷ USD) của EU. Gần đây, Bulgaria cũng đã mở rộng các khoản tài trợ khác nhau và cung cấp nhiều khoản vay ưu đãi cho các công ty, trong khi các ngân hàng tại nước này đã đề nghị hoãn sáu tháng đối với những khoản thanh toán cho vay.