Vòng xoáy tranh chấp

Phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan các cáo buộc trợ giá sản xuất máy bay đã đẩy Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) vào vòng xoáy tranh cãi mới. Căng thẳng thương mại xuyên đại dương có nguy cơ leo thang nghiêm trọng, nếu các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương không nhanh chóng đối thoại giải quyết tranh chấp suốt 16 năm qua.

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

Cuối tuần trước, EU xác nhận Mỹ đã đề nghị giải quyết tranh chấp kéo dài giữa hai bên liên quan các khoản trợ cấp của chính phủ cho các hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ, đây là phản hồi đầu tiên của Mỹ đối với đề xuất của EU về đối thoại giải quyết tranh chấp. EU sẽ xem xét và sẵn sàng thảo luận với Mỹ nhằm tìm giải pháp toàn diện. Trước đó, Mỹ cũng tuyên bố sẵn sàng thúc đẩy đối thoại. Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhấn mạnh, Washington đã gửi đề xuất tới Brussels và đang chờ phản hồi từ EU để khởi động đàm phán về khôi phục cạnh tranh công bằng, tạo sân chơi bình đẳng trong lĩnh vực sản xuất máy bay.

Những tuyên bố của Mỹ và EU được đưa ra sau khi WTO hôm 13-10 ra phán quyết mới nhất về các vụ kiện liên quan chính sách trợ cấp các hãng chế tạo máy bay Boeing và Airbus. Phán quyết nêu rõ, EU được phép áp thuế đối với lượng hàng hóa và dịch vụ của Mỹ có tổng trị giá bốn tỷ USD mỗi năm, coi đây là hành động bù đắp thiệt hại. Theo WTO, hình phạt trên tương đương mức độ tác động tiêu cực mà EU phải gánh chịu do các khoản trợ cấp trái phép của chính quyền Mỹ dành cho Boeing. EU có thể áp thuế với các mặt hàng của Mỹ, như máy bay, rượu, thuốc lá, sản phẩm thuộc da, rau quả, hải sản đông lạnh… bắt đầu từ ngày 27-10 tới, một tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đáng chú ý, WTO công bố quyết định trên vào thời điểm một năm sau khi tổ chức trọng tài này đưa ra phán quyết bất lợi cho EU. Trong đó, WTO cho phép Mỹ mỗi năm áp thuế với lượng hàng hóa nhập khẩu từ EU trị giá tới 7,5 tỷ USD, tương đương mức thiệt hại WTO ước tính Mỹ phải gánh chịu do EU trợ giá cho Airbus. “Án phạt” của WTO khi đó từng dẫn đến loạt bước đi theo kiểu “ăn miếng, trả miếng” giữa Mỹ và EU. Được WTO “bật đèn xanh”, Mỹ đã áp các mức thuế suất cao với máy bay của Airbus, rượu vang Pháp, Whisky của Ireland và Scotland, dầu olive Tây Ban Nha, máy công cụ của Đức, cùng một loạt mặt hàng của các nước EU, như phô-mai, cà-phê…

Tranh cãi giữa Mỹ và EU liên quan trợ cấp các hãng sản xuất máy bay bùng lên từ năm 2004, khi Nhà trắng cùng Boeing khởi kiện một số quốc gia EU vi phạm quy định thương mại quốc tế vì đã cấp cho Airbus nhiều khoản vay dưới chuẩn thị trường. Mỹ cáo buộc, các khoản viện trợ này giúp Airbus phát triển nhanh chóng, ngang tầm với Boeing, dù tập đoàn châu Âu này chỉ chiếm chưa đầy 25% thị trường máy bay toàn cầu. Một năm sau, EU cũng khởi kiện chính quyền Mỹ về các khoản trợ cấp bất hợp pháp dành cho Boeing, giúp tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu của Mỹ hưởng lợi tới 6 tỷ USD nhờ chính sách giảm thuế. Hai vụ kiện từng đẩy Mỹ và EU cận kề nguy cơ chiến tranh thương mại hồi năm 2018, khi Mỹ áp thuế với nhôm và thép của EU, Brussels đáp trả bằng danh sách dài các mặt hàng Mỹ phải chịu thuế khi nhập khẩu vào EU. 

Tranh cãi lắng xuống khi hai bên đồng ý “đình chiến” từ tháng 7-2018 và khởi động đàm phán về thỏa thuận thương mại mới. Phán quyết mới nhất của trọng tài WTO đã đẩy các đồng minh hai bờ Đại Tây Dương trở lại vòng xoáy tranh chấp. Với lợi thế “cầm đèn xanh”, EU khẳng định ưu tiên đối thoại, song vẫn cảnh báo có hình thức trả đũa Mỹ, nếu đàm phán không hiệu quả. 

Thực tế, EU và Mỹ vẫn mong muốn đối thoại. Khi dịch Covid-19 gây những tác động nguy hại chưa từng có với mọi nền kinh tế, EU và Mỹ đều có lý do tránh phải chịu thêm thiệt hại từ các biện pháp trừng phạt thương mại. Với Mỹ, mục tiêu này càng cấp thiết hơn, khi cuộc bầu cử Tổng thống đến rất gần.