Vòng xoáy khủng hoảng ở Belarus

Những ngày qua, tình hình tại Belarus xấu đi nhanh chóng trong bối cảnh hàng nghìn người đổ xuống đường tuần hành đòi Tổng thống A.Lukashenko từ chức, với cáo buộc ông gian lận trong cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hôm 9-8. Căng thẳng leo thang khi ông A.Lukashenko cáo buộc có sự can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus từ bên ngoài.

Biếm họa của MAARTEN WOLTERINK
Biếm họa của MAARTEN WOLTERINK

Trong diễn biến mới nhất, cơ quan báo chí của Tổng thống Belarus thông báo, Tổng thống A.Lukashenko đã ban hành các sắc lệnh tái bổ nhiệm Thủ tướng và các thành viên trong chính phủ sau khi có được sự thông qua của Hạ viện nước này. Ngoài ghế Thủ tướng, các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Quốc phòng vẫn được giữ lại trong chính phủ mới.

Belarus rơi vào bất ổn kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống. Theo kết quả chính thức do Ủy ban Bầu cử trung ương công bố, Tổng thống A.Lukashenko tái đắc cử với 80,1% số phiếu ủng hộ. Tiếp đến là bà Svetlana Tikhanovkskaya, nhận được 10,12% số phiếu. Bà Tikhanovkskaya tuyên bố không chấp nhận kết quả bầu cử. Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, các cuộc biểu tình đông người đã diễn ra tại các thành phố và biến thành xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật.

Trước tình hình leo thang căng thẳng, trong cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia ngày 19-8, Tổng thống A.Lukashenko cáo buộc phe đối lập tìm cách lật đổ chính quyền sau khi nổ ra các cuộc biểu tình chống chính phủ. Nhà lãnh đạo Belarus nhấn mạnh, phe đối lập đã đòi hỏi chuyển giao quyền lực một cách bất hợp pháp. Tổng thống A.Lukashenko cảnh báo sẽ có biện pháp ứng phó thích hợp trong khuôn khổ luật pháp nước này. Tổng thống Belarus cũng cáo buộc phe đối lập có âm mưu cắt đứt quan hệ với Nga và phá bỏ thỏa thuận giữa Belarus và Nga về hợp tác kinh tế và quân sự. 

Bên cạnh đó, Văn phòng Tổng Công tố Belarus đã thông báo mở cuộc điều tra hình sự đối với một hội đồng được các thành viên của phe đối lập, với cáo buộc tổ chức trên được thành lập nhằm chiếm giữ quyền lực và phá hoại an ninh quốc gia. Trước đó, ngày 17-8, phe đối lập tại Belarus đã công bố thành phần sơ bộ của Hội đồng điều phối hoạt động chuyển giao quyền lực gồm 36 nhân vật.

Hiện nay, cộng đồng quốc tế có phản ứng trái chiều về tình hình tại Belarus. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Charles Michel tuyên bố, Liên hiệp châu Âu (EU) không công nhận những kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Belarus. Ông Michel cũng nói thêm rằng, “EU sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt với một số đối tượng chịu trách nhiệm về các hành vi bạo lực, đàn áp và gian lận bầu cử”. Trong khi đó, ngày 20-8, Tổng thống Pháp E.Macron đã đề xuất EU làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Belarus, đồng thời cho rằng đối thoại là điều hết sức cần thiết.

Về phần mình, đồng minh của Belarus là Nga cho rằng, Minsk không cần sự hỗ trợ của Moscow về mặt quân sự hay hình thức nào khác đối với tình hình bất ổn hiện nay. Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov đã cáo buộc các thế lực bên ngoài can thiệp công việc nội bộ của Belarus, đồng thời cho rằng hành động này là không thể chấp nhận được. Ông Peskov nhấn mạnh tình hình bất ổn tại Belarus là một vấn đề nội bộ nên cần được giải quyết bởi chính người Belarus. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Sergei Lavrov cũng cáo buộc các thế lực nước ngoài lợi dụng cuộc khủng hoảng hiện nay để can thiệp tình hình nội bộ của Belarus, khẳng định không cần bất cứ sự trung gian bên ngoài nào để giải quyết tình hình bất ổn ở quốc gia Đông Âu này.

Tổng thống A.Lukashenko tái đắc cử trong một cuộc bầu cử hợp pháp và minh bạch, với sự tham gia của nhiều quan sát viên trong nước và quốc tế. Do đó, với bất cứ lý do gì thì việc tuần hành phản đối của phe đối lập được xem là vi hiến. Nhiều ý kiến cũng hoài nghi về những lực lượng đứng sau làn sóng biểu tình hiện nay, bởi việc ông A.Lukashenko tái đắc cử đồng nghĩa rằng Belarus tiếp tục chiều hướng ủng hộ Nga, mà Moscow lại đang là đối tượng bị phương Tây trừng phạt. Vì lẽ đó, vòng xoáy khủng hoảng ở Belarus sẽ chưa chấm dứt chừng nào sự can thiệp từ bên ngoài vào quốc gia Đông Âu này chưa dừng lại.