Viễn cảnh xám của kinh tế châu Á

Trong báo cáo mới nhất vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo, GDP của khu vực châu Á sẽ suy giảm 0,7% trong năm 2020. Đây là lần đầu trong gần 60 năm qua, các nền kinh tế trên toàn châu Á suy giảm tăng trưởng trước khi có thể hồi phục trở lại từ năm 2021, với việc khắc phục những hậu quả kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.

Biếm họa của JOS COLLIGNON
Biếm họa của JOS COLLIGNON

Báo cáo Cập nhật triển vọng kinh tế châu Á (ADO) của ADB ngày 15-9 cho thấy, hầu hết nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ trải qua chặng đường hồi phục gian nan trong những tháng còn lại của năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng kinh tế khó khăn và triển vọng “xám” nêu trên là do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến tất cả các nền kinh tế trong khu vực.

ADB cho biết, để giảm thiểu nguy cơ từ đại dịch với nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, các nước trong khu vực đã triển khai những chính sách ứng phó trên diện rộng, bao gồm những gói hỗ trợ, chủ yếu là hỗ trợ thu nhập, có tổng trị giá lên tới 3.600 tỷ USD, tương đương 15% GDP khu vực. Tuy nhiên, tác động kinh tế từ dịch Covid-19 vẫn rất lớn khi các đợt bùng phát mới có thể khiến các quốc gia tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế, phòng ngừa dịch bệnh. 

Cùng thời điểm ADB công bố báo cáo nêu trên, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu, đồng thời cảnh báo nhu cầu dầu thế giới sẽ phục hồi rất chậm do dịch Covid-19. Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 15-9, IEA dự kiến đà phục hồi nhu cầu dầu sẽ giảm tốc rõ rệt trong nửa cuối năm 2020. Cơ quan này nêu rõ, sẽ mất nhiều tháng để thế giới có thể đảo ngược hoàn toàn tình trạng suy thoái kinh tế, trong khi một số lĩnh vực như hàng không khó có thể trở lại mức tiêu thụ năng lượng tương đương trước đại dịch ngay cả trong năm tới. Báo cáo về nhu cầu dầu của IEA đã phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế đen tối của kinh tế toàn cầu nói chung, khu vực châu Á nói riêng.

Tuy nhiên, dù bức tranh kinh tế năm 2020 bị bao phủ chủ đạo bằng gam màu xám, triển vọng kinh tế châu Á năm 2021 lại hứa hẹn tương lai tươi sáng hơn. Báo cáo của ADB cũng như tình hình phục hồi ở một số nền kinh tế lớn của khu vực gần đây đã cho thấy hy vọng le lói về sự phục hồi mạnh của kinh tế châu Á trong năm tới. Theo ADB, Trung Quốc là một trong số ít những nền kinh tế khu vực có thể hóa giải xu hướng sụt giảm và dự kiến tăng trưởng khoảng 1,8% trong năm nay và 7,7 % trong năm 2021, nhờ những biện pháp y tế hiệu quả, tạo nền tảng tốt cho kinh tế phát triển. Theo số liệu thống kê chính thức, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 8 đã lần đầu tăng trở lại kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhà phân tích Julian Evans-Pritchard thuộc tổ chức nghiên cứu kinh tế vĩ mô Capital Economics (Anh) cho rằng, chi tiêu tài chính của Trung Quốc cũng sẽ tăng lên và niềm tin người tiêu dùng cũng dần được khôi phục. Tại Hàn Quốc, Cơ quan Hải quan Hàn Quốc ghi nhận kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 7 và tháng 8 tiếp tục đà giảm, lần lượt 7,1% và 9,9%. Mức giảm này đã có sự cải thiện hơn so mức giảm trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua.

Báo cáo của ADB khá lạc quan về triển vọng kinh tế khu vực, khi nhận định tăng trưởng khu vực này sẽ bật trở lại và đạt mức 6,8% trong năm 2021. Tuy nhiên, kinh tế khu vực châu Á sẽ hồi phục theo biểu đồ hình chữ “L” thay vì hình chữ “V”, đồng nghĩa với việc quá trình phục hồi sẽ chỉ diễn ra một phần thay vì hoàn toàn.

Trong bối cảnh nêu trên, giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo, để bảo đảm kinh tế khu vực hồi phục một cách toàn diện và bền vững, chính phủ các nước châu Á cần có những bước đi nhất quán và có sự điều phối rõ ràng để ứng phó đại dịch. Theo đó, cần đặc biệt chú ý các chính sách ưu tiên bảo vệ mạng sống và điều kiện sống cho người dân, đồng thời bảo đảm cho các doanh nghiệp nối lại hoạt động trong môi trường an toàn.