Trách nhiệm của toàn cầu

Ngày 30-3, lãnh đạo 23 quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ủng hộ ý tưởng hình thành một hiệp ước quốc tế có thể giúp thế giới đối phó các tình huống khẩn cấp về y tế trong tương lai, tương tự đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay. Đây được xem là trách nhiệm của toàn cầu nhằm giúp chính quyền và người dân các quốc gia có các công cụ cần thiết để tự bảo vệ trước những dịch bệnh ở quy mô quốc tế.

Biếm họa của PACO BACA
Biếm họa của PACO BACA

Ý tưởng hình thành một hiệp ước quốc tế đã được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đưa ra tại Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hồi tháng 11 năm ngoái. Theo đó, hiệp ước này sẽ bảo đảm sự tiếp cận mang tính phổ cập và công bằng đối với vaccine, thuốc điều trị và phương pháp chẩn đoán trong trường hợp bùng phát các đại dịch. Hiện nay, ý tưởng này đã nhận được sự ủng hộ chính thức của các nhà lãnh đạo của Fiji, Bồ Đào Nha, Romania, Anh, Rwanda, Kenya, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hàn Quốc, Chile, Costa Rica, Albania, Nam Phi, Trinidad & Tobago, Hà Lan, Tunisia, Senegal, Tây Ban Nha, Na Uy, Serbia, Indonesia, Ukraine và WHO.

Trong thông cáo chung được đăng trên phương tiện truyền thông, các nhà lãnh đạo 23 quốc gia nêu rõ: “Sẽ có những đại dịch và những tình huống khẩn cấp về y tế khác trong tương lai. Không một chính phủ hoặc thể chế đa phương nào có thể tự giải quyết mối đe dọa này”. Do vậy, các nhà lãnh đạo kêu gọi các nước cùng hợp tác hướng tới một hiệp ước quốc tế về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, thông qua hệ thống cảnh báo tốt hơn, chia sẻ dữ liệu, hoạt động nghiên cứu, sản xuất và phân phối vaccine, thuốc điều trị, phương pháp chẩn đoán và trang thiết bị bảo hộ cá nhân. 

Hậu quả nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra cho thấy thế giới vẫn chưa có một cơ chế chủ động trong ứng phó những dịch bệnh có quy mô toàn cầu. Nhân Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27-12-2020), WHO nhấn mạnh rằng, đại dịch Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của việc đầu tư vào các hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó sự bùng phát bệnh truyền nhiễm. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus nêu rõ, dịch Covid-19 đã để lại cho cộng đồng quốc tế ba bài học, trước hết là thế giới phải có năng lực chuẩn bị sẵn sàng để phát hiện, phòng, chống và đẩy lùi mọi mối nguy hiểm của dịch bệnh. Bài học thứ hai là sự chuẩn bị sẵn sàng đó không chỉ phụ thuộc vào hệ thống y tế mà còn ở các chính phủ, cộng đồng, tổ chức bảo vệ sức khỏe khác. Bài học cuối cùng chính là mối quan hệ mật thiết giữa sức khỏe của con người, động vật và Trái đất. Nói cách khác, những nỗ lực cải thiện sức khỏe con người đều không đem lại thành quả nếu không giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và bảo tồn hệ sinh thái.

Sự bùng phát của dịch Covid-19 cho thấy ngay những nước có tiềm lực kinh tế mạnh như Mỹ hay các quốc gia châu Âu cũng rơi vào thế bị động và trở tay không kịp khi dịch bệnh lây lan mạnh. Số ca nhiễm và tử vong tăng mạnh do hệ thống bệnh viện quá tải, trong khi thiếu hụt trang thiết bị y tế và nguồn lực dự phòng. Giám đốc WHO Ghebreyesus từng thừa nhận thực tế rằng “thế giới đang vận hành theo chu kỳ của hoảng loạn và thiếu chuẩn bị”, đó là dồn ngân sách đối phó khi xảy ra đại dịch và chi rất nhiều tiền để dập dịch, song lại không có chính sách hay cơ chế ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh tiếp theo.

Tại hội nghị của Tổ chức Nền tảng Khoa học - Chính sách liên chính phủ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) diễn ra cuối năm ngoái, 22 chuyên gia hàng đầu của tổ chức này nêu rõ, nguyên nhân của đại dịch Covid-19 hay của bất kỳ đại dịch nào thời hiện đại đều không phải là bí ẩn. Chính hoạt động phát triển kinh tế không bền vững của con người gây ra biến đổi khí hậu và xóa sổ đa dạng sinh học, dẫn đến bùng phát dịch bệnh. “Nguy cơ đại dịch có thể được giảm thiểu đáng kể thông qua việc giảm các hoạt động gây mất đa dạng sinh học của con người. Từ đây, chúng ta có thể giảm tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi và con người, giúp ngăn chặn khả năng lây lan của các bệnh mới”, báo cáo của IPBES nhấn mạnh.