Trách nhiệm của “đầu tàu”

Hai quốc gia đứng đầu Liên hiệp châu Âu (EU) là Đức và Pháp, cũng như toàn bộ giới chức EU vừa đồng loạt có động thái liên quan bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu (BĐKH). Đây được xem là nỗ lực ngăn chặn BĐKH mới nhất của “lục địa già” kể từ bước đột phá đạt được hồi cuối năm ngoái.

Biếm họa của PETER SCHRANK
Biếm họa của PETER SCHRANK

Theo AFP, sau gần một tháng tranh luận, dự luật về khí hậu mang tên “Khí hậu và khả năng phục hồi” đã được Hạ viện Pháp thông qua vào ngày 4-5 vừa qua với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, nhận được 332 phiếu ủng hộ so 77 phiếu phản đối. Trái với dự đoán rằng tình trạng chia rẽ rõ rệt ở Hạ viện Pháp sẽ xuất hiện, văn bản luật này cuối cùng đã nhận được sự đồng thuận rộng rãi và sẽ được trình lên Thượng viện thông qua vào tháng 6 tới.

Dự luật “Khí hậu và khả năng phục hồi” cho thấy rõ tham vọng đưa Pháp trở thành một hình mẫu về xanh và sạch trong EU, khi hướng tới sáu mục tiêu chủ chốt, gồm thay đổi thói quen tiêu dùng, thay đổi phương thức sản xuất, thay đổi thói quen làm việc, thay đổi phương thức di chuyển, thay đổi hành xử trong ăn uống và tăng cường tư pháp bảo vệ môi trường. Dự luật cũng đề ra những biện pháp mới để bảo vệ môi trường như tăng cường quyền tự quyết về môi trường cho các thị trưởng hay tạo khu phát thải thấp ở các thành phố lớn. Ngoài ra, văn kiện này cũng đề ra nhiều lệnh cấm như cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch, xóa bỏ các đường bay nội địa có khoảng cách dưới 2 giờ 30 phút và có thể thay thế bằng tàu cao tốc để hạn chế phát thải khí CO₂, cấm bán các loại phương tiện gây ô nhiễm cao vào năm 2030…

Trong khi đó, giới chức Đức cũng có những nỗ lực mới về chống BĐKH. Theo Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 4-5 cho biết, Chính phủ liên bang sẽ nhanh chóng siết chặt Luật Bảo vệ khí hậu của nước này sau khi Tòa án Tối cao liên bang cuối tuần trước yêu cầu cần đặt mục tiêu cụ thể về giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính sau năm 2030. Tuy nhiên, bà Merkel tuyên bố không thể trì hoãn việc cải cách Luật Bảo vệ khí hậu sau phán quyết của Tòa án. Trong tuần tới, Chính phủ Đức sẽ thảo luận về khả năng siết chặt đạo luật này, sau đó luật sửa đổi sẽ nhanh chóng được đưa ra Quốc hội phê chuẩn ngay trong nhiệm kỳ lập pháp hiện nay. 

Năm 2019, Chính phủ Đức đã thông qua Luật Bảo vệ khí hậu, trong đó có cam kết giảm lượng khí phát thải CO₂ ít nhất 55% vào năm 2030 so mức của năm 1990, đồng thời đặt mục tiêu về lượng khí phát thải gần như bằng 0 vào năm 2050. Hiện, có một số ý kiến kêu gọi đặt mục tiêu tham vọng hơn nữa khi giảm lượng phát thải ít nhất 65% vào năm 2030 và trở thành nền kinh tế trung hòa carbon trước năm 2050.

Song song các nỗ lực của Pháp và Đức, Nghị viện châu Âu (EP) cũng đã chính thức thông qua thỏa thuận về Chương trình môi trường và khí hậu châu Âu (LIFE) giai đoạn 2021 - 2027. Đây là chương trình dành riêng cho khí hậu và môi trường nhiều tham vọng nhất của EU. Theo đó, thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 với mục tiêu góp phần chuyển đổi sang nền kinh tế sạch, tuần hoàn, hiệu quả năng lượng, carbon thấp và ứng phó với BĐKH, qua đó bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, cũng như ngăn chặn và đẩy lùi sự mất đa dạng sinh học.

Những kế hoạch bảo vệ môi trường nói trên của giới chức EU được tiếp sức nhờ thành quả đột phá đạt được tại Hội nghị cấp cao EU diễn ra giữa tháng 12-2020. Sau những cuộc thảo luận căng thẳng, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí đặt mục tiêu khí hậu tham vọng hơn, tiến tới cắt giảm 55% khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 so các mức ghi nhận năm 1990. 

Rõ ràng là, những quốc gia “đầu tàu” EU như Đức và Pháp đang ngày càng thể hiện thái độ và trách nhiệm tích cực hơn trong cuộc chiến chống BĐKH. Thành quả đạt được từ các nỗ lực đó sẽ là điểm tựa để toàn bộ thành viên EU chuyển đổi sang mô hình phát triển xanh và sạch hơn, từng bước thực hiện tham vọng đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên không khí thải vào năm 2050.