Tiến trình khó đoán định

Chính trường Anh đang ở thời khắc “rối như tơ vò” khi Quốc hội Anh muốn hoãn tiến trình Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, trong khi Thủ tướng Boris Johnson quyết tâm thực hiện Brexit vào đúng hạn chót 31-10 tới, dù có đạt thỏa thuận hay không. Mâu thuẫn giữa Quốc hội và Chính phủ Anh đẩy Brexit vào tình trạng bế tắc và trở thành một trong những tiến trình chính trị khó đoán định nhất.

Biếm họa của LUOJIE
Biếm họa của LUOJIE

Ngày 7-9, BBC cho biết, các nghị sĩ Anh, bao gồm cả những thành viên đảng Bảo thủ cầm quyền đã rời khỏi đảng, đang chuẩn bị một hành động pháp lý trong trường hợp Thủ tướng Anh Boris Johnson tìm cách thách thức cơ quan lập pháp sau khi Thượng viện thông qua dự luật buộc ông phải trì hoãn Brexit. Theo dự luật được Thượng viện Anh thông qua, Thủ tướng Johnson phải đề nghị EU gia hạn tư cách thành viên của Anh tại khối thêm ba tháng, đến ngày 31-1-2020, nếu Quốc hội không thông qua được một thỏa thuận Brexit vào ngày 19-10. Trước đó, Hạ viện Anh cũng đã thông qua dự luật này.

Dự luật nhằm phong tỏa một Brexit không thỏa thuận được Quốc hội Anh thông qua ngay sau khi Thủ tướng Johnson thể hiện quyết tâm thực hiện đúng kế hoạch Brexit vào ngày 31-10 tới dù có đạt thỏa thuận hay không và không có ý định tìm kiếm một lần gia hạn nữa. Ông Johnson cũng nhấn mạnh rằng giải pháp duy nhất cho Brexit bế tắc là một cuộc bầu cử mới, mà ông dự định sẽ kêu gọi tổ chức vào ngày 15-10 tới. Trước đó, ông Johnson đã không nhận đủ sự ủng hộ của hai phần ba số nghị sĩ Quốc hội trong một cuộc bỏ phiếu về kế hoạch bầu cử và một cuộc bỏ phiếu mới sẽ diễn ra ngày 9-9. Các đảng đối lập, trong đó có Công đảng, nói rằng họ sẽ bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng về kế hoạch này, cho đến khi dự luật buộc ông Johnson tìm cách gia hạn Brexit được thực thi.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Anh cũng bị giáng một đòn khác sau khi em trai của ông là Jo Johnson tuyên bố từ chức Quốc vụ khanh Bộ Kinh doanh. Ông Jo Johnson là người kiên quyết phản đối Brexit. Động thái này gây thêm một tổn thất mới đối với phe Bảo thủ cầm quyền sau khi phe này đã mất thế đa số tại Hạ viện Anh tuần trước vì nghị sĩ Phillip Lee rời bỏ đảng này để gia nhập đảng Tự do Dân chủ.

Ở thời điểm hiện tại, khi chính trường Anh đang trong tình trạng hỗn loạn, việc châu Âu và Anh đạt được một thỏa thuận nhằm tránh “Brexit cứng” dường như là “bất khả thi”. Nhằm đối phó một Brexit không có trật tự, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố một loạt biện pháp được cho là sẽ có tác dụng giảm thiểu tác động từ một Brexit không thỏa thuận. Cụ thể, EC đã đề xuất dùng tới Quỹ Đoàn kết châu Âu (FSE), vốn trước đây chỉ được sử dụng để đối phó các thảm họa thiên nhiên và Quỹ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng từ toàn cầu hóa (FEM). Theo đó, một khoản ngân sách trong 600 triệu euro của Quỹ FSE sẽ được dành cho các doanh nghiệp hoặc các khu vực bị ảnh hưởng từ Brexit không thỏa thuận và 180 triệu của Quỹ FEM sẽ được huy động. Các chủ thể và doanh nghiệp Anh sẽ không thuộc đối tượng được hưởng hình thức hỗ trợ này.

Ngoài ra, EC đã cập nhật một số quy định liên quan đánh bắt cá, đề xuất việc tiếp cận vùng biển của Anh được duy trì tới cuối năm 2020 với điều kiện “có đi có lại”, nghĩa là các tàu cá của Anh cũng được quyền tiếp cận các vùng biển của EU. Đối với giao thông, các biện pháp khẩn cấp cho phép tránh việc ngừng đột ngột của giao thông hàng không, kéo dài thời gian duy trì đường hàng không giữa hai bên tới tháng 10-2020 và giao thông đường bộ là tới tháng 7-2020. EC đề xuất nếu Vương quốc Anh muốn tiếp tục tham gia các chương trình của châu Âu như Eramus (Chương trình trao đổi sinh viên của EU), thì sẽ phải đóng góp vào ngân sách của châu Âu năm 2020. Ngoài các chương trình duy trì hòa bình (PEACE) sẽ được tiếp tục cho dù tình hình diễn ra như thế nào, vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh cũng như phần còn lại của Vương quốc Anh sẽ không thể được hưởng một sự hỗ trợ nào khác của EU. Lập trường của EU về điều khoản “chốt chặn”, giải pháp tránh một đường biên giới cứng trên đảo Ireland, vẫn không thay đổi.

Trong khi EU đã có biện pháp đối phó Brexit không thỏa thuận và chính trường Anh đang chia rẽ thì dường như các doanh nghiệp Anh chưa sẵn sàng cho một “Brexit cứng”. BBC dẫn nguồn Phòng Thương mại Anh cho biết, “một số lượng lớn đáng lo ngại” các công ty của Anh hiện vẫn chưa sẵn sàng cho kịch bản Brexit hỗn loạn. Thăm dò ý kiến của 1.500 công ty cho thấy, 41% thậm chí chưa làm gì để đánh giá nguy cơ Brexit.

Thực tế nêu trên cho thấy, tiến trình Brexit đã trải qua một chặng đường dài và hiện tiến tới sát “vạch đích”, tuy nhiên khi mà ngay cả những người trong cuộc vẫn “rối như tơ vò” như trên, tương lai của Brexit sẽ ra sao, khi nào Anh chính thức rời EU sẽ vẫn là những câu hỏi lớn.