“Thùng thuốc súng” chực nổ

Căng thẳng tại Libya gia tăng từng ngày như “thùng thuốc súng” chực chờ phát nổ, khi mà các nước hậu thuẫn hai lực lượng đối địch sẵn sàng can thiệp vào quốc gia Bắc Phi. Những nỗ lực ngoại giao đang được thúc đẩy nhằm đạt thỏa thuận ngừng bắn và ngăn chặn nguy cơ xung đột tại Libya bị biến thành “chiến tranh ủy nhiệm”.

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

Truyền thông khu vực cuối tuần qua tiết lộ, một số nước đã rục rịch kế hoạch can thiệp tình hình Libya, vốn đang căng thẳng bởi cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe phái đối địch. Mạng tin Al Arabiya cho biết, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sẵn sàng ứng phó khả năng Ai Cập đưa quân vào Libya. Giới chức Ankara khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đáp trả mọi cuộc tiến công nhằm vào lực lượng của họ ở Libya. Ankara cảnh báo, hành động của Ai Cập triển khai quân đội đến Libya sẽ cản trở những nỗ lực chấm dứt giao tranh và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho chính Cairo. Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK) tuyên bố, nước này sẽ “không do dự” triển khai các bước đi cần thiết tại Libya.

Những tuyên bố cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Quốc hội Ai Cập thông qua nghị quyết “bật đèn xanh” cho việc triển khai lực lượng ở bên ngoài lãnh thổ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, được cho là nhắm tới nước láng giềng Libya. Tổng thống Abdel Fattah Al-Sisi tuyên bố, Ai Cập sẵn sàng giúp Libya “chống giặc ngoại xâm” và khẳng định, bất kỳ sự can thiệp nào của Ai Cập vào Libya đều là hợp pháp theo luật quốc tế. 

Hiện Libya rơi vào tình trạng rối ren, khi tồn tại hai chính quyền song song, được các thế lực bên ngoài hậu thuẫn với các mức độ khác nhau. Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động ở Thủ đô Tripoli được LHQ công nhận và Thổ Nhĩ Kỳ cùng Qatar hậu thuẫn. Trong khi đó, lực lượng tự xưng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Hafta đứng đầu ủng hộ chính quyền ở miền đông và được Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Nga và Ai Cập ủng hộ. Số liệu thống kê mới nhất của Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ tại Libya (UNSMIL) cho thấy, hơn 16 nghìn người phải rời bỏ nhà cửa do giao tranh giữa GNA và LNA.

Việc hậu thuẫn GNA ở Libya được cho là phù hợp chính sách của đảng cầm quyền và cũng là cam kết của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, đó là gia tăng ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ ở khu vực như Ai Cập và UAE. Ankara đã ký thỏa thuận với GNA về viện trợ quân sự, cả cố vấn kỹ thuật lẫn cung cấp vũ khí, bất chấp các lệnh cấm vận vũ khí của LHQ đối với Libya.

Từng ở thế đối địch với chính quyền của cựu lãnh đạo Libya, Muanmar Gadhafi và cũng từng ủng hộ người Libya lật đổ chính quyền Hồi giáo do Mỹ dựng lên ở Tripoli, nên Ai Cập càng có lý do ủng hộ lực lượng ở miền đông của nước láng giềng. Cairo cũng nhận được lời kêu gọi hỗ trợ từ Tướng Khalifa Hafta, trong bối cảnh lực lượng của GNA được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang mở rộng kiểm soát các vùng lãnh thổ, tiến gần tới thành phố chiến lược Sirte, khiến Ai Cập phải điều một lượng lớn binh sĩ tới khu vực sát biên giới Libya.

Nguy cơ đối đầu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập tại Libya ngày càng rõ nét sau những tuyên bố cứng rắn của cả hai bên. Những nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy. Sau cuộc hội đàm ở Ankara, các đại diện Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cùng tuyên bố cân nhắc việc lập nhóm làm việc chung nhằm thúc đẩy đối thoại chính trị nội bộ Libya, sớm đạt thỏa thuận ngừng bắn lâu dài. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập cũng có các cuộc thảo luận riêng rẽ với những người đồng cấp Pháp và Đức, trong đó nhấn mạnh ưu tiên của Cairo là đạt được một lệnh ngừng bắn và một thỏa thuận chính trị cho Libya…

Tổng thống Mỹ cũng có cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo Pháp và Ai Cập, trong đó nhấn mạnh quan ngại về sự can dự của nước ngoài khiến xung đột tại Libya càng trở nên nghiêm trọng. Đức, Pháp và Italia cũng ra tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt sự can thiệp của bên ngoài, vốn rất dễ châm ngòi “thùng thuốc súng” đang chực chờ phát nổ tại Libya.