Thúc đẩy “kỷ nguyên vàng”

Thủ tướng Anh Theresa May vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Trung Quốc, từ ngày 31-1 đến 2-2, với nhiều thỏa thuận thương mại trị giá nhiều tỷ USD được ký kết. Chuyến thăm nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại mới cho Anh sau khi nước này rời Liên hiệp châu Âu (Brexit) vào tháng 3 năm sau.

Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Tháp tùng Thủ tướng Anh là một phái đoàn thương mại lớn nhất từ trước tới nay, gồm đại diện 40 công ty, các trường đại học và các tổ chức thương mại, thể hiện kỳ vọng của London về việc thu hút nhiều hơn nữa đầu tư từ Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu của Anh giai đoạn hậu Brexit. Trong khuôn khổ chuyến thăm của bà May, hai nước đã ký một số hợp đồng với tổng trị giá chín tỷ bảng Anh (gần 13 tỷ USD). Đây được coi là cơ sở thuận lợi để hai nước phát triển mối quan hệ kinh tế - thương mại song phương đi vào chiều sâu và ngày càng vững chắc.

Chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu Chính phủ Anh diễn ra trong bối cảnh nước Anh đang đối mặt nhiều khó khăn trong các cuộc đàm phán Brexit. Nguy cơ nước Anh bị mất quyền tiếp cận các thị trường tài chính và không đạt được một thỏa thuận tự do thương mại toàn diện với EU là lý do khiến London phải tìm kiếm những đối tác mới ngoài EU. Ngoài Mỹ, Canada, Australia… việc phát triển quan hệ đối tác thương mại mới với châu Á trong những năm tới đang là hướng đi được Thủ tướng May ưu tiên. Trong đó,Trung Quốc, Ấn Độ , Nhật Bản, Hàn Quốc cũng như Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN) được London coi là những đối tác thương mại chủ chốt sau khi nước này hoàn tất các thủ tục liên quan Brexit.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU và Trung Quốc cũng là một trong số các đối tác thương mại chủ chốt của Anh. Trao đổi thương mại giữa hai nước hiện ở mức 59 tỷ bảng một năm (tương đương 83 tỷ USD). Với tiềm năng hợp tác này, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - được cho là có thể trở thành một nguồn đầu tư quan trọng đối với Anh sau khi nước này rời EU vào tháng 3-2019.

Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng May đã nhận được cam kết về sự sẵn sàng hợp tác của Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất bốn điểm để thúc đẩy sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai, gồm: hai nước xem xét vạch kế hoạch phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện; cùng thúc đẩy hợp tác thương mại - kinh tế song phương; củng cố việc trao đổi và hợp tác trong khuôn khổ các thể chế đa phương, như LHQ, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... để giải quyết các thách thức toàn cầu; tăng cường giao lưu nhân dân cũng như trao đổi văn hóa. Đây là bằng chứng cho thấy chuyến công du Trung Quốc lần này đã tạo cơ sở giúp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu giữa hai nước, đúng như kỳ vọng của bà May.

Tuy nhiên, mối quan hệ nhiều mặt giữa hai nước vẫn đan xen nhiều thách thức. Lâu nay, Anh và các quốc gia phương Tây vẫn dè chừng sự trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc không chỉ ở khu vực châu Á. Đây có thể là nguyên nhân khiến Thủ tướng May chưa bày tỏ sự ủng hộ bằng văn bản với sáng kiến “Vành đai, con đường” do Trung Quốc đề xuất. Theo nhận định của giới phân tích, Anh và Mỹ vẫn luôn tỏ ra thận trọng với sáng kiến trên của Bắc Kinh bởi lẽ, London và Washington cho rằng sáng kiến “Vành đai, con đường” sẽ mở rộng mạnh mẽ tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu, và dĩ nhiên Mỹ và Anh không mong muốn điều này.

Bên cạnh đó, bà May từng thừa nhận rằng Anh và Trung Quốc không phải luôn đồng quan điểm trong các vấn đề, như quan ngại của ngành công nghiệp Anh về tình trạng sản xuất dư thừa thép của Trung Quốc, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hay làn sóng đầu tư bất động sản ồ ạt từ Trung Quốc vào Anh. Đây là những vấn đề có thể gây khúc mắc trong các cuộc đàm phán thương mại song phương trong tương lai giữa hai bên và cần nhiều thời gian để giải quyết.

Dù vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Anh Theresa May vẫn được xem là cơ hội mở ra “kỷ nguyên vàng” giữa hai nước, qua đó tạo dựng vị thế mới cho nước Anh giai đoạn hậu Brexit.