Thử thách vai trò “đầu tàu”

Đại dịch Covid-19 chưa lắng dịu, đặt nhiều quốc gia trước bài toán khó khi phải lựa chọn duy trì “phong tỏa” để kiềm chế dịch lây lan, hay tái khởi động kinh tế nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đây cũng là thử thách lớn với Nhóm bảy nước phát triển hàng đầu (G7) trong vai trò dẫn dắt các nỗ lực chặn đà suy thoái kinh tế thế giới và hệ thống thương mại toàn cầu.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Hội nghị cấp cao G7 hôm 17-4 là cuộc thảo luận trực tuyến thứ hai chỉ trong năm tuần, cho thấy các nhà lãnh đạo câu lạc bộ các nước giàu này đặt mối quan tâm hàng đầu là phối hợp chống dịch bệnh. Nếu chủ đề cuộc họp cấp cao của hôm 14-3 mới chỉ tập trung nỗ lực dập dịch và phát triển thuốc chữa Covid-19, thì phiên thảo luận mới nhất hồi tuần trước đã bổ sung thêm vấn đề không kém cấp bách là chặn đà xuống dốc kinh tế toàn cầu. Tại kỳ họp đặc biệt này, mục tiêu chủ chốt đã được đặt ra là nối lại hoạt động kinh tế một cách an toàn và sớm khôi phục nhịp độ tăng trưởng. G7 cam kết phối hợp và đi đầu triển khai mọi biện pháp thích hợp trong một “phản ứng toàn cầu” đối với cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế toàn cầu.

Hơn ai hết, G7 thấm thía sức tàn phá của “cuộc khủng hoảng kép về sức khỏe” do Covid-19 gây ra. Trong danh sách tốp đầu các nước chịu tác động nặng nhất, với số ca nhiễm bệnh vượt ngưỡng 100 nghìn người, G7 “góp” tới năm thành viên, gồm Mỹ, Italia, Pháp, Đức và Anh, trong đó Mỹ dẫn đầu và bỏ xa các nước xếp ngay sau về cả số trường hợp nhiễm và tử vong. Nếu tính cả hai thành viên Canada và Nhật Bản, nhóm “bảy ông lớn kinh tế” này ước tính sở hữu ít nhất 60% tổng số ca nhiễm tại cả 210 quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch ở thời điểm hiện tại.

Tác động với sức khỏe cộng đồng lớn là vậy, thiệt hại về sức khỏe kinh tế cũng không kém nghiêm trọng, xuất phát từ chính các biện pháp hạn chế, giãn cách xã hội và phong tỏa kinh tế nhằm kiềm chế Covid-19 lây lan. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo về kịch bản suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2020 tồi tệ nhất kể từ sau cuộc đại suy thoái hồi thập niên 30 thế kỷ trước. Trong đó, các nền kinh tế châu Âu giảm mạnh nhất, không dưới 6,5%; Canada giảm 6,2% và Nhật Bản là 5,2%. Với Mỹ, dự báo sụt giảm 5,9% cũng là mức tồi tệ nhất kể từ năm 1946. Hoạt động kinh tế đình trệ khiến doanh thu thương mại và sản lượng các nhà máy giảm mạnh và nhất là đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, ở Mỹ hiện lên mức 8,2% và ở Canada tăng vọt tới 25%.

Không phủ nhận hiệu quả giúp kiềm chế dịch bệnh, song cũng phải thừa nhận “tác dụng phụ” của các biện pháp phong tỏa làm tê liệt cỗ máy kinh tế của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các chính phủ G7 đối mặt sức ép đòi “mở cửa trở lại nền kinh tế” nhằm sớm bù đắp thiệt hại do dịch bệnh, nhất là tại Mỹ và châu Âu. Nhật Bản duy trì siết chặt các quy định hạn chế, Pháp và Anh tiếp tục xem xét thận trọng khả năng dỡ bỏ phong tỏa, còn Mỹ đã công bố kế hoạch tái khởi động nền kinh tế số một thế giới, song theo từng giai đoạn và phù hợp diễn biến tích cực của dịch bệnh trên thực tế.

Tại hội nghị mới nhất, các nhà lãnh đạo G7 khẳng định ủng hộ tái khởi động kinh tế và nhất trí phối hợp hành động, cả về ứng phó dịch, giảm thiểu tác động kinh tế - xã hội lẫn lên kế hoạch khôi phục tăng trưởng thời “hậu Covid-19”. G7 cũng nhất trí giãn nợ và ủng hộ các kế hoạch của IMF và những tổ chức ngân hàng khoanh nợ viện trợ khẩn cấp cho các nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, ngoài nhất trí các cam kết, các nhà lãnh đạo G7 vẫn chưa đưa ra được chiến lược hay kế hoạch kinh tế cụ thể nào. Đấy là chưa kể, các thành viên vẫn bất đồng về một số biện pháp hạn chế liên quan Covid-19, như đóng cửa biên giới, hạn chế nhập cảnh, nhất là tranh cãi sau quyết định của Mỹ ngừng tài trợ Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Cam kết mới nhất của G7 thể hiện trách nhiệm đối với nỗ lực chung trong cuộc chiến chống dịch nhiều cam go. Song, G7 vẫn đối mặt bài toán khó về phối hợp hành động, thực thi vai trò “đầu tàu” dẫn dắt thế giới vượt thử thách từ dịch bệnh chưa từng có này.