Thông điệp đoàn kết

Thông điệp nổi bật tại Hội nghị cấp cao Y tế thế giới, do Đức chủ trì, đó là thế giới chỉ có thể vượt qua đại dịch bằng tinh thần hợp tác, đoàn kết và chia sẻ vaccine ngừa Covid-19. Số bệnh nhân trên toàn thế giới đã vượt ngưỡng 44 triệu ca, trong khi nhiều khu vực bước vào mùa đông, có nguy cơ làm bùng phát làn sóng dịch thứ ba như các chuyên gia cảnh báo. 

Biếm họa của SONG CHEN
Biếm họa của SONG CHEN

Hội nghị cấp cao Y tế thế giới là một trong những sự kiện quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, được tổ chức hằng năm tại Berlin, kể từ năm 2009, theo sáng kiến của Đức, Pháp, cùng Ủy ban châu Âu (EC) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Hội nghị năm nay được tổ chức trực tuyến, từ ngày 25 đến 27-10, trong bối cảnh đại dịch chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí bùng phát mạnh tại nhiều khu vực, nhất là châu Âu, buộc nhiều nước siết chặt các quy định hạn chế, ban bố tình trạng y tế khẩn cấp và lệnh giới nghiêm.

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn tăng mạnh mỗi ngày, cùng các biện pháp mạnh nhằm kiểm soát sự lây lan dịch bệnh, khoảng 300 đại biểu dự Hội nghị đề cao mục tiêu sớm có vaccine phòng bệnh, cũng như hợp tác, bảo đảm phân phối cân bằng. Phát biểu ý kiến khai mạc, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier nhấn mạnh, thế giới chỉ có thể vượt qua đại dịch bằng tinh thần hợp tác. Tổng Giám đốc WHO Tedros Ghebreyesus khẳng định, hợp tác toàn cầu là cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và các lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh, cuộc chiến chống Covid-19 hiện nay cần trở thành hình mẫu cho hợp tác y tế toàn cầu, đòi hỏi sự hợp tác và đoàn kết quốc tế.

Trong thông điệp gửi tới Hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhắc lại rằng, đại dịch Covid-19 hiện là cuộc khủng hoảng y tế lớn nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Đoàn kết toàn cầu và chia sẻ vaccine là hành động cấp thiết, trong đó các nước giàu có trách nhiệm hỗ trợ hệ thống y tế của các nước nghèo hơn và cùng hợp tác để kiểm soát, tiến tới loại bỏ đại dịch. Theo lãnh đạo LHQ, xét nghiệm, điều trị và nhất là chia sẻ vaccine không chỉ là “phao cứu sinh”, mà còn là lá chắn bảo vệ xã hội và nền kinh tế, bảo vệ việc làm, trường học và hoạt động kinh doanh. 

Không phải lời kêu gọi hợp tác nghiên cứu, phát triển và chia sẻ vaccine mới được đưa ra tại Hội nghị cấp cao Y tế thế giới năm nay. Theo WHO, hiện có 198 loại vaccine tiềm năng đang được nghiên cứu, trong đó hơn 40 loại đang được thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, điều lo ngại là, trong khi Liên hiệp châu Âu (EU), cùng nhiều nước giàu như Mỹ, Anh, Nhật Bản... đặt mua số lượng lớn vaccine của các hãng dược phẩm, thì nhiều nước nghèo, với khả năng tài chính hạn hẹp, có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tranh sở hữu sớm chiếc “phao cứu sinh” này. 

Trong nỗ lực thúc đẩy phân phối công bằng, WHO đã khởi động sáng kiến toàn cầu COVAX nhằm giúp các nước nghèo tiếp cận vaccine ngừa Covid-19. Đến nay, đã có 171 quốc gia tham gia dự án của WHO, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Âu, song không có Mỹ. Thực tế này dấy lên lo ngại về sự thiếu công bằng trong tiếp cận và phân phối, khi một số nước theo đuổi nỗ lực riêng trong phát triển và sản xuất, cũng như giành quyền sở hữu đầu tiên vaccine ngừa Covid-19. WHO từng cảnh báo, một vài quốc gia đang đặt lợi ích lên trên vấn đề nhân đạo và rủi ro y tế. 

Tại hội nghị, nhà lãnh đạo Đức cũng nhấn mạnh, không ai an toàn trước Covid-19 cho tới khi tất cả an toàn trước đại dịch. Những nỗ lực riêng lẻ nhằm giành lợi thế trong cuộc đua vaccine có thể khiến nhiều nước nghèo trả giá. Đoàn kết toàn cầu là mục tiêu, cũng là yêu cầu cấp thiết, trong bối cảnh đại dịch phức tạp hiện nay.