Thời điểm chưa chín muồi

Trong những ngày qua, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran đều đang phát đi những tín hiệu muốn đối thoại với nhau nhằm tháo gỡ tình trạng căng thẳng hiện nay trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, cả Tehran và Washington đều đưa ra các điều kiện đi kèm nếu tiến hành đối thoại, qua đó cho thấy hai bên vẫn chưa thật sự muốn bước vào những cuộc đàm phán với đầy đủ thiện chí cần thiết.

Biếm họa của SHADI GHANIM
Biếm họa của SHADI GHANIM

Ngày 27-8 vừa qua, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố chính quyền nước này sẽ không đàm phán với Mỹ cho đến khi mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào nhà nước cộng hòa Hồi giáo này được dỡ bỏ. Trong phát biểu phát trực tiếp trên truyền hình, ông Rouhani khẳng định, Iran luôn sẵn sàng đối thoại, nhưng trước hết Mỹ nên dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt “trái phép và bất công” đối với Iran. Ông Rouhani cũng tuyên bố Tehran sẽ tiếp tục giảm những cam kết của mình theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và các cường quốc Nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) nếu các lợi ích của nước này không được bảo đảm, song nhấn mạnh: “Tehran chưa bao giờ muốn sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Phát biểu trên của nhà lãnh đạo Iran được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran trong một “hoàn cảnh thích hợp” nhằm chấm dứt căng thẳng giữa hai nước liên quan thỏa thuận hạt nhân, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Ông Trump cũng loại trừ khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Iran.

Trong khi đó, các nước châu Âu tham gia ký thỏa thuận hạt nhân đang nỗ lực giảm căng thẳng giữa Iran và Mỹ sau khi Tổng thống Trump năm ngoái tuyên bố rút Washington khỏi thỏa thuận lịch sử và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào nền kinh tế Iran. Đáp lại quyết định này của Mỹ, quốc gia Trung Đông này tuyên bố giảm một số cam kết trong thỏa thuận, đồng thời tăng giới hạn làm giàu urani vượt mức 3,67% và lượng urani làm giàu thấp vượt ngưỡng 300 kg theo cam kết trong JCPOA.

Cùng với những nỗ lực của Anh và Đức, Pháp cũng đang tìm cách cứu vãn JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái. Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Biarritz (Pháp) ngày 26-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt đồng thuận về một số vấn đề quốc tế, trong đó vấn đề hạt nhân Iran. Theo đó, các bên đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng là bảo đảm Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân và không để tình hình hiện nay đe dọa ổn định khu vực. Tổng thống Pháp Macron cũng đề xuất một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iran.

Cũng tại một cuộc họp báo ở Pháp cùng ngày, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, Iran có cơ hội để quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và nối lại đối thoại về các hoạt động hạt nhân của nước này. Thủ tướng Anh nhấn mạnh: “Không bao giờ được đặt Iran vào hoàn cảnh cho phép nước này có được một vũ khí hạt nhân. Giờ đây rõ ràng có một cơ hội để Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và nối lại đối thoại”.

Bất chấp nỗ lực xoa dịu căng thẳng của các nước châu Âu, cả Iran và Mỹ đều đang có những động thái có thể làm phức tạp thêm tình hình. Trong khi Mỹ kêu gọi các đồng minh điều tàu chiến tới eo biển Hormuz để cùng Washington bảo vệ các tàu hàng qua đây thì về phía Iran, nước này có kế hoạch triển khai tàu khu trục tiên tiến nhất tới vùng biển trên. Bên cạnh đó, Tehran cũng không ngừng chế tạo và phát triển những loại vũ khí chiến lược mới để đối phó các mối đe dọa nhằm vào nước này, trong đó có thái độ thù địch của Mỹ.

Giới quan sát cho rằng, khả năng đàm phán giữa Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ phụ thuộc việc Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 hay không. Bên cạnh đó, Iran sẽ không tham gia đàm phán cho đến khi Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Trước những diễn biến vừa qua, giới phân tích cho rằng, đây chưa phải là thời điểm chín muồi để hai bên sẵn sàng bước vào đàm phán, khi những khúc mắc hiện nay vẫn chưa được tháo gỡ và thiện chí cũng chưa xuất hiện.