Thỏa hiệp vì ngân sách chung

Thủ tướng Đức A.Merkel vừa lên tiếng kêu gọi Liên hiệp châu Âu (EU) và Hungary cùng Ba Lan cần có sự thỏa hiệp để thông qua kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh kinh tế EU đang rất cần hỗ trợ tài chính để phục hồi tăng trưởng, trong khi nội bộ khối này lại bất đồng lớn về vấn đề ngân sách.

Nguồn: CARTOON MOVEMENT
Nguồn: CARTOON MOVEMENT

Nữ Thủ tướng Đức đưa ra kêu gọi nêu trên trong cuộc trao đổi trực tuyến với các nhà lập pháp phụ trách vấn đề EU của nghị viện tất cả các quốc gia thành viên trong khối. Theo bà Merkel, có thể điều chỉnh cơ chế tuân thủ pháp quyền để thuyết phục Hungary và Ba Lan từ bỏ quan điểm phản đối. 

Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá hơn 1.800 tỷ euro, bao gồm khoản ngân sách cho giai đoạn 2021 - 2027 trị giá gần 1.100 tỷ euro và quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7 vừa qua sau nhiều cuộc thương lượng căng thẳng. Kế hoạch này phải được Hội đồng châu Âu (EUC) cũng như Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, trong đó EP đặt điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn khối với một cơ chế yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền EU.

Theo cơ chế nêu trên, một quốc gia có thể không được tiếp cận các khoản tiền hỗ trợ nếu bị cho là làm suy yếu các chuẩn mực dân chủ, tự do truyền thông hay không bảo đảm tính độc lập của cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, hai nước thành viên EU là Hungary và Ba Lan hiện vẫn duy trì lập trường phản đối việc gắn kế hoạch phân bổ ngân sách của EU và gói phục hồi kinh tế sau đại dịch với điều kiện các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền của khối. Bất đồng khiến kế hoạch ngân sách tham vọng của EU không thể triển khai. Theo đó, hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở châu Âu chưa được tiếp cận nguồn hỗ trợ vào thời điểm khó khăn nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 hiện nay.

Trong khi đó, kinh tế EU đang lâm cảnh khó khăn và bà Merkel cảnh báo rằng năng lực chi tiêu của EU trong năm tới sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, nếu các quốc gia thành viên không đạt được sự đồng thuận chung về vấn đề chi tiêu tài chính. Trong bối cảnh đó, truyền thông châu Âu nhận định, Thủ tướng Đức đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thực hiện một số nhượng bộ đối với Hungary và Ba Lan. Về phía Ba Lan và Hungary, hai nước này cũng cho biết họ sẵn sàng đàm phán về các đề xuất mới liên quan vấn đề này. Thủ tướng Hungary V.Orban vừa có chuyến thăm Ba Lan để thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà M.Morawiecki về kế hoạch ngân sách của EU. Hai bên tuyên bố “sẵn sàng đón nhận các đề xuất mới nhằm giải quyết tranh cãi hiện nay với EU”. Tuy nhiên, Ba Lan và Hungary đang nỗ lực thuyết phục các đối tác khác trong EU, rằng tiêu chí tuân thủ nguyên tắc pháp quyền như trên sẽ “gây nguy hiểm” cho tương lai của hội nhập châu Âu và có nguy cơ khiến EU tan rã trong tương lai.

Trước đó, tại một cuộc họp của EU, Ba Lan và Hungary đã phủ quyết ngân sách và quỹ phục hồi kinh tế giai đoạn hậu đại dịch, động thái đẩy “ngôi nhà chung châu Âu” vào một cuộc khủng hoảng chính trị. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Mass cho rằng, với vai trò là Chủ tịch luân phiên EU, Đức có một phần trách nhiệm trong việc tìm ra giải pháp cho bất đồng về ngân sách chung của khối. 

Đức lo ngại, nếu EU và Ba Lan cùng Hungary không tháo gỡ được bế tắc cho vấn đề ngân sách nêu trên, kinh tế châu Âu sẽ đối mặt thách thức lớn trong bối cảnh dịch bệnh đã đẩy các nền kinh tế lún sâu vào khó khăn. Theo nhà kinh tế trưởng của tổ chức phân tích thông tin kinh tế IHS Markit (Anh), ông C.Williamson, trong tháng 11, nền kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã rơi vào tình trạng suy giảm nghiêm trọng, do các nước tại khu vực này tái áp đặt biện pháp phong tỏa trước việc các ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh trở lại. 

Do vậy, việc các bên sớm thỏa hiệp để thông qua ngân sách chung và gói phục hồi hậu đại dịch có ý nghĩa quan trọng giúp ổn định tình hình của “ngôi nhà chung châu Âu” trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.