Thích ứng với toàn cầu hóa 4.0

Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2019 thiếu vắng sự tham dự của một số nhà lãnh đạo các cường quốc, các nền kinh tế hàng đầu thế giới, song không vì thế mà giảm sức “nóng”. Các chủ đề địa - chính trị nổi bật vẫn được thảo luận nhằm thúc đẩy cải cách các khuôn khổ, thể chế thích ứng bối cảnh hợp tác quốc tế bước vào giai đoạn mới - kỷ nguyên “toàn cầu hóa 4.0”.

Biếm họa của STEPHANE PERAY
Biếm họa của STEPHANE PERAY

Với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình cấu trúc toàn cầu trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Hội nghị WEF thường kỳ tại Davos (Thụy Sĩ) năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến hàng loạt thách thức toàn cầu cả về kinh tế lẫn chính trị đang “treo lơ lửng”. Từ triển vọng kinh tế thế giới mờ mịt, cuộc chiến thương mại cận kề, đến xung đột, bạo lực còn tiếp diễn ở nhiều nơi, chủ nghĩa dân tộc, xu hướng dân túy trỗi dậy làm suy yếu hợp tác đa phương và các mối quan hệ quốc tế. Đặc biệt, tiến trình toàn cầu hóa bước sang giai đoạn mới với những thay đổi sâu sắc và toàn diện hơn, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến những công nghệ với tốc độ và quy mô chưa từng có.

Những tiếng nói hoài nghi dấy lên về hiệu quả cuộc tụ họp hằng năm của giới lãnh đạo quốc gia và doanh nghiệp toàn cầu, khi Diễn đàn Davos năm nay vắng bóng những “người chơi chính”. Tổng thống Mỹ Donald Trump không tham dự vì phải giải quyết tình trạng “chính phủ đóng cửa”; Thủ tướng Anh Theresa May hủy chuyến đến Davos sau khi thỏa thuận Brexit bị bác bỏ; Tổng thống Pháp Emmanuel Macron còn đau đầu vì các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng bận rộn với nhiều kế hoạch trong nước...

Tuy nhiên, trong ba ngày với hàng trăm phiên họp, hơn 50 nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế, cùng hàng nghìn đại biểu đã thảo luận, chia sẻ quan điểm và đề xuất các sáng kiến về một loạt vấn đề địa - chính trị, kinh tế và công nghệ, xã hội và môi trường. Các phiên thảo luận đánh giá triển vọng hợp tác, đối thoại để xử lý các thách thức, thúc đẩy cải cách khuôn khổ thể chế toàn cầu nhằm thích ứng bối cảnh mới; thảo luận về tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0, các vấn đề tăng trưởng bền vững, chính sách công nghệ, an ninh mạng...

Nổi bật trong các cuộc thảo luận tại Davos lần này là triển vọng không thật sự sáng của kinh tế thế giới, khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mức tăng trưởng năm 2019 chỉ đạt 3,7%, thậm chí Ngân hàng Thế giới (WB) còn đánh giá ở mức 2,9% kèm theo các điều kiện tài chính thắt chặt. Quan ngại còn gia tăng khi tình hình địa - chính trị không thuận có nguy cơ tác động tiêu cực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là khi chủ nghĩa dân túy, bảo hộ trỗi dậy, quay lưng với các tiến trình đa phương, trong khi căng thẳng và xung đột gia tăng có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thương mại, tình trạng biến đổi khí hậu dẫn đầu danh sách các rủi ro luôn rình rập với nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, với vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) năm 2019, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cùng nhiều nhà lãnh đạo nhấn mạnh nhiệm vụ khôi phục niềm tin đối với hệ thống thương mại quốc tế minh bạch và hiệu quả, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, cởi mở và tự do.

Khi tiến trình đa phương có dấu hiệu suy yếu, mục tiêu định hình tiến trình toàn cầu hóa trong giai đoạn mới nổi lên là một yêu cầu cấp thiết. Theo nhà sáng lập và là Chủ tịch WEF Klaus Schwab, thế giới chưa được chuẩn bị để ứng phó những thay đổi lớn của toàn cầu hóa trong “kỷ nguyên 4.0”, vì thế cần xác lập các khuôn khổ và cơ chế mới để có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội phía trước. Tiến trình toàn cầu hóa mang lại tăng trưởng kinh tế và phát triển, song cũng khiến tình trạng bất bình đẳng ngày càng giãn rộng.

Hội nghị WEF năm 2019 vì thế hướng đến mục tiêu hoàn thiện các cấu trúc chính sách, hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, toàn diện hơn, đặc biệt là hướng đến con người, không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình toàn cầu hóa 4.0.