Tầm nhìn xuyên Đại Tây Dương

Đón đầu cơ hội hợp tác với chính quyền mới tại Mỹ, Liên hiệp châu Âu (EU) vừa công bố một kế hoạch toàn diện nhằm cải thiện quan hệ đối tác giữa hai bờ Đại Tây Dương. Trọng tâm là xây dựng tầm nhìn xuyên đại dương mới, vì hợp tác toàn cầu, thúc đẩy hệ thống đa phương và đóng góp định hình lại thế giới sau đại dịch Covid-19.

Biếm họa của TANG TENGFEI
Biếm họa của TANG TENGFEI

Với tên gọi “Một lịch trình EU - Mỹ mới để thay đổi toàn cầu”, kế hoạch do Ủy ban châu Âu (EC) phối hợp Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại xây dựng và đề xuất. Kế hoạch nêu rõ: Trong bối cảnh quốc tế với cạnh tranh quyền lực, căng thẳng địa - chính trị và xu hướng đơn cực gia tăng cùng nhu cầu định hình lại thế giới sau đại dịch Covid-19, thì sự thay đổi chính quyền ở Mỹ kết hợp một châu Âu tự tin và quyết đoán đang tạo ra cơ hội “nghìn năm có một” để hai bên thiết kế một chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới, thúc đẩy hợp tác toàn cầu, dựa trên các giá trị, lợi ích chung và sức ảnh hưởng của cả hai bên.

Theo EC, chương trình nghị sự EU - Mỹ sẽ thúc đẩy vai trò lãnh đạo toàn cầu, với nguyên tắc bao trùm là theo đuổi lợi ích chung, thúc đẩy các thể chế và hành động đa phương mạnh mẽ hơn, tăng cường sức mạnh tập thể và tìm kiếm các giải pháp tôn trọng những giá trị chung. Để triển khai, một kế hoạch toàn diện đã được EU đề xuất, như một lộ trình xuyên Đại Tây Dương với những hành động chung ban đầu trong nỗ lực ứng phó và vượt qua đại dịch Covid-19, chống biến đổi khí hậu, giải quyết các tranh chấp thương mại và tăng cường quan hệ đối tác địa - chính trị. 

Với cuộc chiến chống Covid-19, EU hy vọng Mỹ trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu, thúc đẩy hợp tác nhằm ứng phó đại dịch, bảo vệ cuộc sống và kế sinh nhai của người dân, từng bước mở cửa lại nền kinh tế một cách thận trọng và bền vững. EU cũng mong muốn hợp tác với Mỹ trong việc tài trợ sản xuất và phân phối vaccine ngừa Covid-19, nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó, tạo thuận lợi cho các chuỗi thương mại hàng hóa, thiết bị y tế thiết yếu, ủng hộ và thúc đẩy cải cách Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Đại dịch Covid-19 đặt ra những thách thức phức tạp chưa từng có, nêu ra yêu cầu thay đổi với tất cả các nền kinh tế, cũng như với các cơ chế hợp tác toàn cầu, nhất là trong chống biến đổi khí hậu. Vì thế, EU đề xuất cùng Mỹ thúc đẩy “chương trình nghị sự xanh”, phối hợp hai bờ Đại Tây Dương về quan điểm và dẫn dắt các nỗ lực toàn cầu. Trước mắt là cam kết chung về mục tiêu không phát thải khí nhà kính vào năm 2050, tiếp đến có thể là sáng kiến về một liên minh công nghệ xanh, hay một khuôn khổ toàn cầu về tài chính bền vững, hay chống phá rừng, bảo vệ đại dương...

Trong vấn đề thương mại, EU và Mỹ cùng chia sẻ nhiều giá trị chung và đã trở thành “đối tác tự nhiên”. Vì thế, EU muốn phối hợp Mỹ giải quyết các vấn đề tồn đọng, thông qua thương lượng, trong đó có việc thiết lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU - Mỹ, nhằm cải thiện quan hệ thương mại song phương và thúc đẩy các nỗ lực cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo EU, quan hệ đối tác bền vững EU - Mỹ là yếu tố quan trọng với sự ổn định và thịnh vượng, cũng như hỗ trợ giải quyết xung đột trên toàn cầu.

Phát biểu ý kiến khi công bố đề xuất hồi tuần trước, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh, EU muốn cùng Mỹ phác thảo một lộ trình hợp tác mới, phù hợp bối cảnh toàn cầu, nhằm xây dựng liên minh xuyên Đại Tây Dương vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và mạnh mẽ hơn. Theo Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell, EU muốn gửi thông điệp tới đồng minh Mỹ về “làm mới” mối quan hệ đối tác nhằm mang lại thịnh vượng, ổn định, hòa bình và an ninh cho hai khu vực và cả thế giới. 

Chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương của EU đã gửi thông điệp rõ ràng tới chính quyền sắp tới ở Mỹ về tầm nhìn hợp tác chiến lược mới giữa hai bên. Với sáng kiến này, EU mong muốn khép lại giai đoạn trì trệ trong quan hệ đối tác với Mỹ vừa qua và đón đầu các cơ hội hợp tác với Tổng thống thứ 46 của “xứ cờ hoa”.