Sức hút từ CPTPP

Philippines vừa chính thức bày tỏ quan tâm việc gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nhằm siết chặt hợp tác với các nước mà Manila chưa có thỏa thuận thương mại tự do (FTA) song phương. Sau khi Anh chính thức đề nghị tham gia CPTPP, việc các nước như Philippines, Hàn Quốc… bày tỏ quan tâm cho thấy sức hút của hiệp định. 

Biếm họa của TANG TENGFEI
Biếm họa của TANG TENGFEI

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines, Ramon Lopez đã gửi thư bày tỏ ý định tới New Zealand - quốc gia chịu trách nhiệm lưu trữ tài liệu của CPTPP, để tham khảo về tiến trình gia nhập hiệp định này. Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản dẫn lời Thứ trưởng Thương mại và Công nghiệp Philippines Ceferino Rodolfo cho biết, hiện nước này chưa có FTA song phương với bốn thành viên CPTPP, gồm Canada, Mexico, Peru và Chile. Nikkei Asia nhận định, việc Philippines mong muốn gia nhập CPTPP là nhằm đa dạng hóa quan hệ thương mại, giảm phụ thuộc một số thị trường truyền thống. Manila hy vọng sẽ có thêm nhiều nước, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, gia nhập CPTPP.

 Ngoài Philippines, một số quốc gia khác cũng bày tỏ quan tâm hiệp định.  Gần đây, Anh đã đưa ra đề nghị chính thức về việc gia nhập CPTPP, trở thành nước đầu tiên ngoài các nước thành viên sáng lập đăng ký tham gia hiệp định này. Lời đề nghị được Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss đưa ra trong cuộc họp trực tuyến hồi tháng 2 với Bộ trưởng Phụ trách đàm phán CPTPP của Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O’Connor. Các nước thành viên CPTPP bày tỏ hoan nghênh động thái này của London, coi đây là động lực mở rộng thương mại tự do dựa trên các quy định thương mại và đầu tư tiêu chuẩn cao. Sau khi Hội đồng CPTPP đồng ý bắt đầu quá trình đàm phán về việc Anh gia nhập, một nhóm công tác cấp chuyên viên sẽ được thành lập để tiến hành đàm phán. Trong quá trình đàm phán, Anh cần chứng minh rằng có thể tuân thủ các quy định của CPTPP, đồng thời phải đàm phán về thuế quan với từng nước trong số 11 thành viên. 

CPTPP có hiệu lực từ năm 2018, gồm 11 nước thành viên là Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Hiệp định này được các nước ký kết vào tháng 12-2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP - hiệp định tiền thân của CPTPP) vào năm 2017. Ước tính, khu vực thương mại tự do này chiếm 13% GDP toàn cầu. Các nước tham gia hiệp định đều nhất trí ủng hộ tăng số lượng thành viên CPTPP nhằm duy trì và tăng cường khuôn khổ kinh tế tự do và rộng mở này.

Nhật Bản, quốc gia vừa tiếp quản chức Chủ tịch luân phiên của CPTPP từ Mexico trong năm nay, dự kiến đi đầu các cuộc đàm phán để mở rộng số thành viên của nhóm. Trung Quốc, Hàn Quốc gần đây đã bày tỏ quan tâm tới việc gia nhập CPTPP, trong khi các quan chức Nhật Bản vẫn đang quan sát chặt chẽ việc liệu Mỹ có quay trở lại hiệp định này dưới thời chính quyền của Tổng thống Joe Biden hay không. Hồi cuối năm 2020, cả Trung Quốc và Hàn Quốc đều chính thức bày tỏ cân nhắc trở thành một thành viên của CPTPP nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của các nước này. Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường thương mại để chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục xem xét gia nhập CPTPP.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế quốc tế Peterson có trụ sở tại Mỹ, CPTPP đang giúp các nền kinh tế hội tụ trong một mô hình kinh tế gắn kết. Theo đó, thỏa thuận trên được kỳ vọng sẽ tăng quy mô kinh tế hằng năm của các quốc gia thành viên CPTPP thêm 147 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế nhận định, CPTPP là hiệp định thế hệ mới, được thiết kế để đi đầu trong chương trình nghị sự thương mại quốc tế và ứng phó hiệu quả với những thách thức của thế kỷ 21. Nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu Covid-19, các nước thành viên CPTPP đã nhất trí thành lập một cơ quan phụ trách vấn đề phát triển nền kinh tế kỹ thuật số, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư, mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội của các quốc gia thành viên.