“Sóng ngầm” giữa hai bờ Đại Tây Dương

Mỹ đang xem xét áp thuế bổ sung với lượng hàng hóa trị giá 3,1 tỷ USD các sản phẩm nhập khẩu từ châu Âu, trong bối cảnh hai bên vẫn chưa tháo gỡ được mâu thuẫn chung quanh vấn đề trợ cấp chính phủ cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus và Boeing. Căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương được dự báo sẽ gia tăng, bởi EU cũng sẽ không khoanh tay đứng nhìn.

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

Ngày 24-6 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) bày tỏ quan ngại về việc Mỹ đe dọa áp thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu liên quan tranh chấp giữa các nhà chế tạo máy bay Boeing của Mỹ và Airbus của châu Âu. Một văn bản do Đại diện Thương mại Mỹ công bố cho biết, Washington đang xem xét đánh thuế lên tới 3,1 tỷ USD đối với các sản phẩm của châu Âu vì các khoản trợ cấp cho hãng chế tạo máy bay Airbus. Văn bản trên liệt kê các sản phẩm từ ô-liu đến cà-phê của Pháp, Đức, Tây Ban Nha hoặc Anh, có thể phải chịu mức thuế mới. Cùng với đó, các sản phẩm khác như phô-mai, rượu whisky, rượu vang và thịt lợn của tất cả các nước thành viên EU cũng bị Mỹ xem xét áp các mức thuế mới.

Trong nhiều năm qua, giữa Mỹ và EU vẫn tồn tại mâu thuẫn về vấn đề trợ cấp chính phủ cho hai hãng Boeing và Airbus. Tháng 10-2019, sau khi được WTO “bật đèn xanh”, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế trừng phạt lên tới 7,5 tỷ USD với các sản phẩm nhập từ châu Âu. EU cũng đe dọa sẽ đáp trả bằng việc áp thuế với hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ. Trong một bức thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer mới đây, Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan cho rằng, đại dịch Covid-19 là một cơ hội để hai bên xoa dịu những căng thẳng hiện tại và EU tuyên bố muốn đạt thỏa thuận với Washington về trợ cấp cho sản xuất máy bay để hủy bỏ tranh chấp.

Tuy nhiên, một thỏa thuận có lợi cho hai bên đến nay vẫn chưa đạt được, là nguyên nhân khiến Mỹ cân nhắc áp thuế bổ sung với các mặt hàng của “lục địa già”. Trong bối cảnh đó, EU cũng không muốn ở trong thế bị động, với tuyên bố sẽ trả đũa bất kỳ biện pháp áp thuế nào của Mỹ. Tuy nhiên, ngày 25-6 vừa qua, EC cho biết việc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trì hoãn xem xét đề nghị của EU trong áp thuế trả đũa việc Mỹ trợ cấp cho tập đoàn chế tạo máy bay Boeing là “không chính đáng và làm tổn hại tới quyền lợi của khối”. Trước đó, WTO đã lùi thời gian đưa ra quyết định (dự kiến ban đầu vào tháng 5 hoặc tháng 6) đến sớm nhất là tháng 9 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Người phát ngôn của EC cho biết, khối rất quan tâm vấn đề này và đã bày tỏ quan ngại của mình với WTO, khẳng định sự chậm trễ là “không thể biện minh” ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh và điều đó sẽ gây bất lợi cho các quyền trả đũa của EU theo các quy tắc của WTO.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện cam kết khi tranh cử là thu hẹp thâm hụt thương mại của Mỹ với toàn thế giới, không ngoại trừ đối tác lâu đời là EU. Căng thẳng thương mại Mỹ và EU bắt đầu từ khi Tổng thống Trump quyết định áp thuế với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ EU. Đáp lại, EU cũng áp thuế các sản phẩm biểu tượng của ngành công nghiệp Mỹ như đồ jean và mô-tô phân khối lớn. Tổng thống Mỹ cũng đe dọa áp thuế với các ô-tô nhập khẩu từ châu Âu, nhưng nhiều lần trì hoãn kế hoạch này do vấp phải sự phản đối từ các nghị sĩ trong nước. Đến nay, đàm phán thương mại giữa Mỹ và EU càng trở nên bế tắc do bất đồng về các khoản trợ cấp cho Boeing và Airbus, cũng như việc đánh thuế đối với các công ty kỹ thuật số và lĩnh vực nông nghiệp.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu, các biện pháp áp thuế bổ sung mà Mỹ đề xuất có thể gây ra những tổn thất rất lớn cho cả hai bên. Giới quan sát cảnh báo rằng, các biện pháp “ăn miếng trả miếng” sẽ gây thiệt hại không đáng có đối với các doanh nghiệp ở hai bờ Đại Tây Dương, vốn đang vất vả hoạt động trong đại dịch.