Quyết định đúng đắn

Bất chấp đồng minh số một là Mỹ gia tăng sức ép cấm vận lên Cuba, các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) vẫn mở rộng cánh cửa hợp tác với “hòn đảo tự do”. Điều đó cho thấy giữa hai đồng minh xuyên Đại Tây Dương này không chỉ đã xuất hiện những rạn nứt, mà còn thể hiện thái độ ngày càng đối trọng của “lục địa già” với Washington.

Biếm họa của PODVITSKI
Biếm họa của PODVITSKI

Trong khuôn khổ cuộc họp Hội đồng chung Cuba - EU lần hai tại La Habana ngày 9-9 vừa qua, hai bên nhất trí khép lại chu kỳ triển khai Thỏa thuận Đối thoại chính trị & Hợp tác để tiếp tục mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Bộ trưởng Ngoại giao Cuba, ông Bruno Rodríguez Parrilla cho biết, trong vòng một năm kể từ cuộc họp Hội đồng chung lần thứ nhất tại Brussels (Bỉ), hai bên đã tiến hành năm vòng đối thoại chính trị, tổ chức các kỳ họp đầu tiên của Ủy ban Hợp tác và của Ủy ban chung, trao đổi nhiều đoàn thăm cấp cao, đặt nền tảng cho mối quan hệ song phương thời kỳ mới.

Ông Rodríguez nhấn mạnh, trong năm qua, hợp tác giữa hai bên đã có những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp, ứng phó biến đổi khí hậu, văn hóa và trao đổi chuyên gia về hiện đại hóa nền kinh tế; đồng thời nhận định cuộc họp lần này đánh dấu khởi đầu của một giai đoạn hợp tác mới với những mục tiêu cao hơn.

Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Federica Mogherini nêu rõ, với cách làm việc có hệ thống và khẩn trương, hai bên đã khép lại chu kỳ mở rộng và củng cố đối thoại chính trị, trong đó có thúc đẩy những sáng kiến song phương và đa phương của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, với các đề tài như bình đẳng giới, xóa đói, giảm nghèo, năng lượng bền vững, việc làm xứng đáng, tăng trưởng kinh tế gắn với giảm bớt chênh lệch xã hội. Bà Mogherini cũng nhất trí với Bộ trưởng Rodríguez về quyết tâm thúc đẩy các đối thoại mới trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, biến đổi khí hậu và môi trường.

Tại cuộc họp báo chung, bà Mogherini thông báo về khoản tài trợ 15 triệu euro của EU cho Cuba trong khuôn khổ dự án tìm hiểu văn hóa mang tên “Transcultura”, khẳng định đây là minh chứng cho quan hệ EU – Cuba dựa trên tình hữu nghị sâu sắc và tôn trọng lẫn nhau. Đại diện EU khẳng định, khối này có thể giúp Cuba hiện đại hóa nền kinh tế. Hoạt động đầu tư cũng giúp các doanh nghiệp châu Âu củng cố vị thế tại Cuba trong lúc quốc đảo này đang triển khai chính sách mở cửa.

Nhấn mạnh vai trò của EU là đối tác thương mại số một và nhà đầu tư lớn nhất vào Cuba, với mức đầu tư tăng gần ba lần, từ 50 triệu euro năm 2016 lên 140 triệu euro năm 2018, bà Mogherini khẳng định lại quan điểm “phản đối mạnh mẽ” việc Chính phủ Mỹ kích hoạt Điều III Luật Helms-Burton chống Cuba, coi đây là việc áp dụng phi pháp các biện pháp cưỡng ép đơn phương có hiệu lực ngoài lãnh thổ, đồng thời cam kết EU sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền lợi chính đáng và các nhà đầu tư của mình tại Cuba. Bà Mogherini cho biết thêm, EU cũng tiếp tục đối thoại về tình hình trong khu vực và triển vọng hợp tác, đặc biệt là vấn đề Venezuela.

Bộ trưởng Ngoại giao Cuba đánh giá cao lập trường của EU phản đối chính sách bao vây cấm vận của Washington nhằm vào La Habana nói chung, cũng như đối với bước đi kích hoạt Điều III Luật Helms-Burton nói riêng, nhắc lại rằng chính sách thù địch phi lý này của Mỹ là rào cản chính cho công cuộc phát triển đất nước Cuba, đồng thời ảnh hưởng tới chủ quyền và quyền lợi của các quốc gia, các doanh nghiệp và công dân EU.

Động thái tăng cường hợp tác giữa Cuba và EU diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ và La Habana đang căng thẳng do biện pháp siết chặt trừng phạt của Washington. Bộ Tài chính Mỹ mới đây thông báo sẽ sửa đổi Quy chế kiểm soát tài sản của Cuba, bao gồm các biện pháp ngăn chặn Chính phủ đảo quốc Caribbe này tiếp cận ngoại tệ, mà Washington tuyên bố là biện pháp trừng phạt do sự ủng hộ của Cuba đối với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Dù vậy, thái độ chống Cuba của Mỹ lại không nhận được sự ủng hộ của các đồng minh trong EU. Không chỉ vậy, Mỹ và EU còn bất đồng trong nhiều vấn đề quốc tế khác, đơn cử như chính sách trừng phạt Iran của Washington, siết chặt chi phí quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), leo thang căng thẳng thương mại... Giữa những bất đồng ngày càng sâu sắc đó, việc EU quyết định mở rộng hợp tác với Cuba cho thấy chủ trương đúng đắn của khối, phù hợp xu hướng chung của toàn cầu là đối thoại thay đối đầu, tăng cường hợp tác thúc đẩy kinh tế nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dân.