Nước cờ mạo hiểm

Bất chấp sự phản đối của Đức, đồng minh lâu đời bên kia bờ Đại Tây Dương, một số Thượng nghị sĩ Mỹ tiếp tục hối thúc Quốc hội nước này nhanh chóng áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, đưa khí đốt từ Nga tới “lục địa già”. Động thái trên có nguy cơ làm rạn nứt hơn nữa quan hệ giữa Mỹ với châu Âu, đồng thời khiến thế đối đầu Nga - Mỹ càng thêm khó hóa giải.  

Biếm họa của PODVITSKI
Biếm họa của PODVITSKI

Ngày 16-7 vừa qua, TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết, lời đe dọa của Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt với dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt tự nhiên của Nga tới Đức, hay còn gọi là “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) và đường ống dẫn thứ hai của dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (TurkStream) là nhằm tạo sức ép với hoạt động thương mại của châu Âu, đồng thời cũng là hành động cạnh tranh không công bằng. Ông Peskov cho biết: “Hành động trên sẽ kéo theo những hậu quả tiêu cực và là sức ép quá đáng với hoạt động thương mại của châu Âu mà các công ty Nga cũng tham gia”, cũng như “tiếp tục cuộc cạnh tranh không công bằng nhằm buộc châu Âu mua khí đốt đắt hơn với những điều khoản ít có lợi hơn”.

Trước đó, hôm 4-6, các Thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz, Jeanne Shaheen và John Barrasso đã đề xuất Thượng viện dự luật mở rộng các lệnh trừng phạt đối với dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc 2”, theo khuôn khổ Đạo luật Chống lại đối thủ của Mỹ thông qua các lệnh trừng phạt (CAATSA). Hồi giữa tháng 12-2019, lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua việc áp đặt các biện pháp trừng phạt, bao gồm đóng băng tài sản và thu hồi thị thực Mỹ cấp cho các nhà thầu. Đối tượng của lệnh trừng phạt là các công ty xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt này. Mới đây nhất, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo đã cảnh báo về khả năng áp đặt biện pháp trừng phạt đối với những công ty có liên quan hai dự án nói trên, với lập luận rằng các dự án này có thể khiến châu Âu phụ thuộc nguồn cung cấp năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, trong phản ứng của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Heiko Maas đã bác bỏ những đe dọa áp đặt biện pháp trừng phạt này. Bộ trưởng Heiko Maas khẳng định: “Chính sách năng lượng châu Âu được thực hiện ở châu Âu”, việc Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty ở châu Âu tham gia dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là xem nhẹ quyền và chủ quyền của châu Âu. Berlin bác bỏ mọi biện pháp trừng phạt bên ngoài lãnh thổ”. Ông Heiko Maas cũng cho biết, trong những tuần gần đây, Berlin đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với Washington khi Chính phủ của Tổng thống Donald Trump lên kế hoạch siết chặt đạo luật trừng phạt nhằm vào dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”. Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel cũng từng khẳng định mục tiêu hoàn thành dự án này. 

Một nước châu Âu khác liên quan mật thiết dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” là Đan Mạch đã “bật đèn xanh” cho phép tàu chuyên dụng của Nga sử dụng vùng biển của quốc gia Bắc Âu này tiếp tục thi công lắp đặt đường ống để hoàn tất những đoạn đường ống cuối cùng đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức. Với quyết định của Đan Mạch, tàu lắp đặt đường ống Akademik Cherskiy của Nga sẽ sớm hoàn tất việc lắp đặt đoạn đường ống cuối cùng trong dự án đưa khí đốt từ Nga tới Đức dài 1.230 km dưới biển Baltic. Dự án trị giá 9,5 tỷ euro (tương đương 10,75 tỷ USD) này khi hoàn tất có thể vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm từ Nga tới Đức. Ban đầu, dự án dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2019, nhưng sau đó bị ngưng trệ do Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt các công ty tham gia hoặc hỗ trợ xây dựng dự án. 

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang mạng xã hội Twitter, ông Peter Beyer, điều phối viên của Chính phủ Đức về các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đã kêu gọi Washington để châu Âu tự quyết về vấn đề năng lượng. Trên thực tế, sự can thiệp của Mỹ trong nhiều vấn đề của các đồng minh châu Âu lâu nay đã gây “sứt mẻ” mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Nay, việc Washington gây sức ép lên một trong những mối quan tâm hàng đầu của “lục địa già” là năng lượng có nguy cơ khiến căng thẳng leo thang, không chỉ với châu Âu và còn với Nga. Do đó, việc đe dọa trừng phạt được xem là “nước cờ mạo hiểm” trong chính sách đối ngoại của Mỹ.