Nối hai bờ đại dương

Chương sử “Nước Mỹ trước tiên” sớm khép lại, song đã tạo ra những vết nứt trong các mối quan hệ với đồng minh và đối tác, mà chính quyền Tổng thống Joe Biden đang phải nỗ lực hàn gắn. Trong đó, nối lại nhịp cầu bắc hai bờ Đại Tây Dương là một trong những lựa chọn chiến lược của Washington.

Biếm họa của LIU RUI
Biếm họa của LIU RUI

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc trao đổi ý kiến trực tuyến với các lãnh đạo châu Âu trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU). Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken thực hiện chuyến ngoại giao ra mắt những người đồng cấp các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và hội đàm trực tiếp với Cao ủy EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại. Các hoạt động cấp cao này không ngoài mục tiêu hâm nóng trở lại mối quan hệ truyền thống giữa Mỹ với đồng minh, đối tác ở “lục địa già”.

Quan hệ giữa Mỹ với EU, cũng như với các đồng minh NATO được cho là chạm đáy nguội lạnh thời gian qua, xuất phát từ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” vốn bị EU chỉ trích là làm tổn hại lợi ích của khối. Căng thẳng liên tục leo thang, khi chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Biden coi nhẹ hợp tác và gây sức ép về thương mại với EU, cũng như đòi hỏi tăng đóng góp tài chính với các thành viên NATO. 

Không đồng tình với ý tưởng nước Mỹ không thể bị thách thức khi “đứng riêng”, ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã thể hiện thiện chí khôi phục quan hệ với các đồng minh, đối tác ở châu Âu. Tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Munich hồi tháng 2, lãnh đạo Mỹ từng hùng hồn tuyên bố “nước Mỹ trở lại và liên minh xuyên Đại Tây Dương đã trở lại”. Tại các cuộc tiếp xúc và trao đổi tuần trước, Tổng thống và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ nêu bật thông điệp ưu tiên “hồi sinh” NATO và tái thiết hợp tác xuyên đại dương với EU. Washington cam kết cùng châu Âu cài đặt lại mối quan hệ, chia sẻ các giá trị, lợi ích chung và cùng nhau ứng phó thách thức đang nổi lên, như dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, an ninh mạng…

Thực tế, giá trị của các mối quan hệ đồng minh, đối tác đóng vai trò quan trọng và củng cố các liên minh chủ chốt là trụ cột chính trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Biden. Vực dậy quan hệ xuyên Đại Tây Dương đem lại cho Mỹ thêm động lực trong hoạt động trở lại can dự toàn cầu và đối phó các đối thủ chiến lược, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Nga không ngừng mở rộng ảnh hưởng tới các đối tác châu Âu và Trung Quốc cũng gia tăng hoạt động ở châu Á. 

Tình thế hiện nay được cho là thuận lợi để Mỹ khơi thông dòng chảy hợp tác với châu Âu, cùng thiện chí và cam kết khởi động lại của cả hai bên. EU cam kết tạo “phiên bản mới” cho chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa “sóng sẽ yên, biển sẽ lặng”. Một số vấn đề cốt lõi gây khúc mắc giữa hai bên vẫn còn nguyên, nhất là đòi hỏi của Mỹ muốn các đồng minh châu Âu tăng chi quốc phòng và chia sẻ gánh nặng tài chính của NATO. Hơn nữa, trong mối quan hệ mới với Mỹ, EU đang hướng tới giảm phụ thuộc, tăng tự chủ chiến lược. Nói cách khác, các đối tác châu Âu đang tìm cách nâng vị thế trong hợp tác với Mỹ. 

Ngoài vấn đề chiến lược, hợp tác thương mại hai bên cũng khó khăn, khi đến nay mục tiêu ký một hiệp định thương mại toàn diện giữa Mỹ và EU vẫn chỉ nằm trong kế hoạch. Trong khi đó, EU đã có hẳn một hiệp định đầu tư với đối tác Trung Quốc. EU cũng không trùng quan điểm với Mỹ trong nhiều vấn đề, như lập trường với Nga, mà thí dụ nổi bật là câu chuyện trừng phạt nhằm dự án khí đốt giữa Nga và châu Âu mang tên Dòng chảy phương Bắc 2. Hay, trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, Mỹ và EU có cùng mục tiêu, song lại khác biệt trong phương thức thực hiện…

Các hoạt động ngoại giao mà Mỹ tiến hành dồn dập vừa qua đã tạo khởi đầu thuận lợi. Cây cầu bắc qua Đại Tây Dương nối nhịp trở lại, song để cầu vận hành liền mạch và bền vững còn cần nhiều nỗ lực, từ cả hai phía.