Những thách thức của kinh tế Đông - Bắc Á

Các nền kinh tế khu vực Đông - Bắc Á đang đối mặt nhiều thách thức nghiêm trọng vì thiên tai và dịch bệnh. Trong khi kinh tế Nhật Bản đối diện nguy cơ rơi vào suy thoái kép thì kinh tế Hàn Quốc được dự báo không có cơ hội tăng trưởng trong quý III; kinh tế Trung Quốc chật vật phục hồi vì cùng lúc đối mặt dịch Covid-19, lũ lụt và các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Các số liệu thống kê mà Chính phủ Nhật Bản vừa công bố cho thấy, nền kinh tế “xứ sở hoa anh đào” sẽ chưa thể chuyển sang giai đoạn phục hồi trong quý III này như dự đoán. Theo đó, nguy cơ suy thoái kép gia tăng trong bối cảnh GDP của Nhật Bản trong quý II - 2020 đã giảm 27,8% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm được ghi nhận sau khi các hoạt động kinh tế của nước này bị hạn chế vì đại dịch.

Nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế lớn thứ ba thế giới lâm cảnh khó khăn là các nền tảng tiêu dùng tư nhân và xuất khẩu - hai động lực tăng trưởng chính, chưa thể khởi sắc vì đại dịch Covid-19. Văn phòng Chính phủ Nhật Bản cho biết, tiêu dùng cá nhân đã giảm 8,2%, trong khi xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ bao gồm cả chi tiêu của khách du lịch nước ngoài giảm 18,5%. Du lịch, một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nhật gần như tê liệt trong những tháng gần đây, với khoảng 3.800 lượt du khách nước ngoài trong tháng 7-2020, ghi nhận mức giảm 99,9% trong tháng thứ tư liên tiếp do tác động của đại dịch. Xuất khẩu của “đất nước mặt trời mọc” cũng sa sút nghiêm trọng. Theo đó, tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản đạt 5.368,9 tỷ yên (khoảng 50,9 tỷ USD), giảm 19,2% so cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, một nền kinh tế lớn khác của khu vực Đông - Bắc Á là Hàn Quốc cũng tiếp tục vật lộn với khó khăn. Thời gian gần đây, kinh tế Hàn Quốc đã chịu cảnh “họa vô đơn chí” khi cùng lúc phải đối phó hai thách thức là đại dịch Covid-19 tái bùng phát và lũ lụt hoành hành. Báo chí Hàn Quốc nhận định, nền kinh tế Hàn Quốc hầu như không còn khả năng “lội ngược dòng” để tăng trưởng dương trong quý III năm nay. Theo đó, mặc dù tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 gần đây ít có khả năng trở thành “cú sốc thứ hai” đối với nền kinh tế, song để phòng tránh kịch bản này, Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét phương án kích cầu tiêu dùng. Ngoài dịch bệnh, kinh tế Hàn Quốc còn hứng chịu tác động nghiêm trọng từ lũ lụt. Mùa mưa năm nay tại Hàn Quốc kéo dài kỷ lục, gây thiệt hại nghiêm trọng tới các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp và xây dựng. Trong bối cảnh đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2020 xuống mức âm 0,8%, và trong trường hợp dịch Covid-19 gây ra cú sốc lần hai thì sẽ xuống mức âm 2%.

Một “nạn nhân” khác của dịch Covid-19 và lũ lụt là kinh tế Trung Quốc. Thủ tướng Lý Khắc Cường khẳng định, kinh tế nước này có thể tăng trưởng trong năm nay, bất chấp tác động của dịch bệnh. Ông cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 3,2% trong quý II năm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cùng lúc đối mặt nhiều thách thức. Mặc dù dịch Covid-19 không còn nghiêm trọng ở Trung Quốc, nhưng “di chứng” nó để lại vẫn vô cùng lớn. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc còn lâm cảnh khó khăn vì các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và những trận lũ lịch sử. Mùa lũ năm nay, trên lưu vực sông Trường Giang đã gây ra thiệt hại kinh tế vào khoảng 178,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 25,7 tỷ USD) và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, mưa lũ đang phá hỏng đà hồi phục của kinh tế Trung Quốc khi làm gián đoạn các dự án đầu tư, ách tắc chuỗi cung ứng, gây bất ổn an ninh lương thực…

Trong nhiều năm qua, các nền kinh tế Đông - Bắc Á luôn là động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế thế giới. Việc ba nền kinh tế lớn nói trên của khu vực cùng lúc khó khăn, suy giảm tăng trưởng cho thấy mức độ suy yếu nghiêm trọng của kinh tế toàn cầu hiện nay. Một khi bức tranh kinh tế Trung - Nhật - Hàn còn tăm tối, kinh tế thế giới khó có thể tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.