Nấc thang căng thẳng mới

Vụ việc nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran bị ám sát mới đây đã thổi bùng lên căng thẳng tại khu vực Trung Đông, làm leo thang mức độ thù địch giữa Iran và Israel, Mỹ. LHQ cảnh báo, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng nếu các bên liên quan không kiềm chế các động thái của mình. 

Biếm họa của AREND VAN DAM
Biếm họa của AREND VAN DAM

Ngày 27-11, truyền thông Iran đưa tin, ông Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran, đã tử vong tại bệnh viện do bị thương nặng trong một vụ tiến công vũ trang. Bộ Quốc phòng Iran xác nhận ông Fakhrizadeh đã bị ám sát. Các hãng tin Tasnim và Fars cho biết, vụ ám sát xảy ra ở TP Absard thuộc khu vực Damavand ở miền đông Iran, khi một nhóm tay súng đánh bom một chiếc xe ô-tô, trước khi nổ súng vào xe chở nhà khoa học Fakhrizadeh. Hiện chưa rõ danh tính các tay súng này.

Ông Fakhrizadeh được xem là người có vai trò cực kỳ quan trọng trong chương trình hạt nhân Iran. Một tài liệu mật của Israel năm 2018 đã nói rằng ông Fakhrizadeh chính là người dẫn dắt chương trình xây dựng vũ khí hạt nhân của Iran. Năm 2015, tờ The New York Times từng so sánh nhà khoa học Fakhrizadeh với nhà vật lý học Robert Oppenheimer - công trình sư của “Dự án Manhattan” về vũ khí nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngay sau khi vụ ám sát diễn ra, ngày 28-11, Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei, tuyên bố nước này sẽ đáp trả thích đáng, đồng thời khẳng định công trình nghiên cứu của ông Fakhrizadeh sẽ tiếp tục được thực hiện, đồng thời kêu gọi “trừng phạt” những kẻ đứng sau vụ sát hại này. Cùng ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cáo buộc Israel tìm cách gây “hỗn loạn” bằng cách thực hiện vụ sát hại ông Fakhrizadeh, đồng thời cam kết sẽ đáp trả vụ việc “vào thời điểm thích hợp”. 

Trước những diễn biến nêu trên, LHQ đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế. Người phát ngôn của LHQ cho biết: “Chúng tôi hối thúc kiềm chế và cần phải tránh bất cứ hành động nào có thể dẫn tới căng thẳng gia tăng trong khu vực. Chúng tôi cũng lên án bất cứ vụ ám sát hay sát hại nào mà không qua xét xử”. Trong khi đó, Đức hối thúc tất cả các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng có thể ảnh hưởng tới đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Theo Bộ Ngoại giao Đức, điều quan trọng là duy trì cơ hội đàm phán nhằm giải quyết tranh cãi thông qua thương lượng. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Syria gọi vụ sát hại nhà khoa học hạt nhân Iran là một “hành động khủng bố”, đồng thời cảnh báo vụ việc có thể làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Bộ Ngoại giao Qatar cũng lên án vụ sát hại nhà khoa học Iran và kêu gọi các bên kiềm chế.

Lâu nay, tình báo phương Tây và Israel coi ông Fakhrizadeh là “cha đẻ” của chương trình hạt nhân Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng đưa ra cảnh báo đối với đích danh ông Fakhrizadeh trong một buổi họp báo. Trong khi đó, Iran đã nhiều lần cáo buộc phương Tây và Israel, mà cụ thể là Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan tình báo Israel (MOSSAD), đứng sau hàng loạt vụ ám sát các nhà khoa học hạt nhân của nước này.

Trước cáo buộc của phía Iran, các cơ sở ngoại giao của Israel trên khắp thế giới đã lập tức được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Giới chức Israel cũng đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc. Bộ trưởng Chính phủ Israel Tzachi Hanegbi, một trong những nhân vật thân cận với Thủ tướng Israel B.Netanyahu đã nhấn mạnh rằng, không có bằng chứng nào cho thấy Israel đứng đằng sau vụ việc này.

Giới quan sát nhận định, vụ việc sẽ khiến khu vực Trung Đông, vốn tiềm ẩn nhiều mâu thuẫn nay càng thêm căng thẳng, đồng thời tác động không nhỏ đến tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran. Chuyên gia chính trị Iran Abbas Aslani cho rằng, vụ việc không chỉ gây căng thẳng ở khu vực mà còn ảnh hưởng tương lai thỏa thuận hạt nhân Iran, trong bối cảnh nước Mỹ được dự báo sắp có Tổng thống mới là ông Joe Biden, người có quan điểm nối lại đàm phán với Tehran. Theo ông Aslani, vụ việc cũng sẽ cản trở việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015, khiến các bên tham gia thỏa thuận khó khăn trong việc thực hiện cam kết cũng như khôi phục giải pháp ngoại giao.