Lời tuyên chiến với Covid-19

Được xem là quốc gia “đầu tàu kinh tế” của thế giới, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây ký ban hành luật cứu trợ Covid-19, mang tên “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” trị giá 1.900 tỷ USD không chỉ hỗ trợ mạnh mẽ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở “xứ cờ hoa”, mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng sau thời gian dài điêu đứng do dịch bệnh. 

Biếm họa của LISA
Biếm họa của LISA

Ngày 11-3 vừa qua, phát biểu ý kiến tại Nhà trắng sau khi ký ban hành dự luật cứu trợ, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã mô tả biện pháp này là đạo luật lịch sử nhằm “xây dựng lại sức mạnh của đất nước”. CNN dẫn lời ông Biden cho biết: “Trong những tuần diễn ra thảo luận và tranh luận về dự luật này, rõ ràng là một tỷ lệ phần trăm lớn người dân Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ Kế hoạch giải cứu nước Mỹ. Tiếng nói của người dân đã được lắng nghe”. Trước đó, Quốc hội Mỹ ngày 10-3 đã thông qua gói cứu trợ, vốn là ưu tiên lập pháp đầu tiên và cấp bách nhất của ông Biden kể từ khi nhậm chức vào tháng 1 vừa qua. 

Giới chuyên gia nhận định rằng, ngoài việc bơm tiền vào nền kinh tế đang bị tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, gói cứu trợ còn hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ, kéo dài trợ cấp thất nghiệp cho tới tháng 9 cùng khoản thanh toán trực tiếp 1.400 USD cho mỗi người dân Mỹ bắt đầu từ đầu tháng này, thúc đẩy nỗ lực phân phối vaccine, mở cửa lại trường học, hỗ trợ chính quyền các tiểu bang và địa phương và mở rộng chương trình chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng Obamacare. Gói cứu trợ Covid-19 này dự kiến thúc đẩy GDP của Mỹ từ 5-6% trong ba năm tới. 

Lĩnh vực kinh doanh nhà hàng đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 đã bày tỏ hoan nghênh khoản cứu trợ 28,6 tỷ USD dành cho các quán ăn, một phần trong gói cứu trợ khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD. Theo ông Tom Bene, Chủ tịch Hiệp hội nhà hàng quốc gia Mỹ (NRRA), trong gói cứu trợ có việc thành lập Quỹ Phục hồi nhà hàng, một chương trình mà ngành này đã nỗ lực thúc đẩy từ năm ngoái sau khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng trong đại dịch. Việc thành lập quỹ trên sẽ là chất xúc tác để vực dậy các nhà hàng và cứu vãn việc làm trên toàn quốc. Quỹ này tạo một “lối thoát” cho một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lệnh ngừng hoạt động cùng những hạn chế đi lại trong giai đoạn đại dịch. NRRA cho biết, doanh số bán của dịch vụ ăn uống tại Mỹ đã giảm 255 tỷ USD và 110.000 nhà hàng phải đóng cửa. Với quỹ mới, các doanh nghiệp có thể xin trợ cấp tương đương với khoản lỗ doanh thu hằng năm trong giai đoạn 2019 - 2020. Các chi phí hợp lệ bao gồm tiền lương, tiền thuê nhà, nghĩa vụ trả nợ đối với nhà cung cấp, thiết bị bảo hộ và xây dựng chỗ ngồi ngoài trời.

Bên cạnh đó, gói cứu trợ khổng lồ của Mỹ cũng là chất xúc tác giúp kinh tế thế giới phục hồi. Người phát ngôn Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) Gerry Rice cho rằng: “Chúng ta sẽ được chứng kiến những tín hiệu tích cực đáng kể về tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hầu hết các quốc gia sẽ đều hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng của Mỹ mạnh hơn. Do đó, gói cứu trợ sẽ giúp cả tăng trưởng và phục hồi của kinh tế toàn cầu”.

Theo các chuyên gia của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), đến nay gần 530 nghìn người Mỹ đã chết vì Covid-19. Khi chính quyền Tổng thống Biden tăng cường các nỗ lực tiêm chủng trên toàn quốc, các quan chức đã nhấn mạnh rằng cần có sự tài trợ của Quốc hội để đưa vaccine đến tay mọi người Mỹ. Gói cứu trợ Covid-19 của Tổng thống Biden cung cấp 14 tỷ USD cho việc nghiên cứu, phát triển, phân phối, quản lý và củng cố niềm tin vào vaccine. 

Gói cứu trợ lớn chưa từng thấy do Tổng thống Joe Biden ký ban hành đánh dấu một thành tựu lập pháp quan trọng đối với “ông chủ” thứ 46 của Nhà trắng. “Kế hoạch giải cứu nước Mỹ” được cả lưỡng viện Quốc hội nhanh chóng thông qua được xem là lời tuyên chiến của cả nước Mỹ đối với dịch bệnh, đồng thời là cú huých để nền kinh tế toàn cầu gượng dậy sau cú sốc Covid-19.