Làn gió mới cho hòa bình

Hàn Quốc vừa khởi động dự án kết nối đường sắt liên Triều, đúng dịp hai năm diễn ra cuộc gặp lịch sử giữa các nhà lãnh đạo hai miền. Khi tiến trình phi hạt nhân hóa vẫn bế tắc, thúc đẩy hợp tác kinh tế được kỳ vọng thổi “làn gió mới” cho mục tiêu xây dựng kỷ nguyên hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, được nêu trong Tuyên bố Panmunjom năm 2018.

Hai Bộ trưởng Hàn Quốc tại lễ công bố dự án đường sắt liên Triều. Ảnh: YONHAP
Hai Bộ trưởng Hàn Quốc tại lễ công bố dự án đường sắt liên Triều. Ảnh: YONHAP

Trong tuyên bố hôm 27-4, đúng hai năm sau cuộc gặp cấp cao đầu tiên với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Làng đình chiến Panmunjom, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, chính quyền Seoul sẽ thúc đẩy hợp tác với Bình Nhưỡng một cách thiết thực, hiệu quả. Trước mắt, Hàn Quốc nỗ lực tái khởi động kết nối đường sắt giữa hai miền, đưa dự án này trở thành nền tảng cho các nỗ lực xây dựng hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.

Hàn Quốc kỷ niệm sự kiện Hội nghị cấp cao liên Triều lịch sử (27-4-2018) bằng buổi lễ công bố dự án đường sắt mới, được tổ chức tại nhà ga Jejin thuộc thị trấn biên giới Goseong ở tỉnh cực bắc Gangwon. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul nhấn mạnh, với mục tiêu xây dựng khu kinh tế hòa bình tại vùng biên giới hai miền, đây là “thỏa thuận mới cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên”. Bộ trưởng Giao thông Kim Hyun-mee cũng khẳng định, dự án kết nối đường sắt không chỉ đóng góp cho phát triển của mỗi nước, mà còn thúc đẩy giao lưu, hợp tác hai miền.

Dự án nêu trên xây tuyến đường sắt dài hơn 110 km ven biển phía đông của Hàn Quốc, nối TP Gangneung với thị trấn Jejin. Chính phủ Hàn Quốc đầu tư 2.800 tỷ won (khoảng 2,27 tỷ USD) và xác định đây là dự án hợp tác liên Triều, nên triển khai trong thời gian nhanh nhất, khoảng một năm rưỡi. Kế hoạch tổng thể được hoàn tất cuối năm nay và dự kiến công trình chính thức được khởi công đầu năm tới. Tuyến đường sắt Gangneung - Jejin sẽ kết nối với tuyến đường sắt ở Triều Tiên, góp phần thúc đẩy du lịch và kinh tế khu vực phía đông Hàn Quốc, ước tính đóng góp khoảng 4.740 tỷ won cho lĩnh vực sản xuất, tạo khoảng 40.000 việc làm...

Kết nối đường bộ, đường sắt giữa hai miền Triều Tiên là một trong những thỏa thuận chủ chốt trong Tuyên bố Panmunjom, được đưa ra sau Hội nghị cấp cao liên Triều hai năm trước, sự kiện từng được đánh giá là “ngày rực rỡ”, đem đến “làn gió mới” cho quan hệ hai miền, đẩy lùi bóng ma chiến tranh và khởi đầu kỷ nguyên hòa bình mới trên bán đảo Triều Tiên. Lễ động thổ dự án kết nối đường sắt liên Triều đã được tổ chức tại thị trấn biên giới Kaesong của Triều Tiên hồi tháng 12-2018. Song đến nay, chưa có tiến triển trên thực tế, do trở ngại liên quan các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng và bế tắc trong đối thoại Mỹ - Triều về phi hạt nhân hóa.

Bối cảnh mới tại Hàn Quốc đang được đánh giá là thuận lợi để thúc đẩy hợp tác hai miền. Chiến thắng lớn của đảng Dân chủ đồng hành cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc vừa qua tạo động lực mới để Tổng thống Moon Jae-in tái khởi động nỗ lực xây dựng hòa bình, trong đó kết nối kinh tế là nền tảng cơ bản. Với 180 nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền trong Quốc hội gồm 300 ghế, chính quyền Seoul có thể dễ dàng nhận được sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đối với các sáng kiến của Tổng thống Moon Jae-in, người kiên định với đường lối cải thiện quan hệ liên Triều thông qua giao lưu, hợp tác kinh tế.

Theo phía Hàn Quốc, việc có ít tiến triển trong thực hiện Tuyên bố Panmunjom không phải do hai miền thiếu cam kết hành động, mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng. Seoul không thể khởi động các dự án kinh tế liên Triều khi các lệnh cấm vận quốc tế và biện pháp đơn phương của Mỹ vẫn chưa được dỡ bỏ. Tổng thống Moon Jae-in khẳng định, Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên trong nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19 và đây có thể là khởi điểm mới để mở rộng hợp tác hai miền.

Tiến trình cải thiện quan hệ liên Triều lâu nay luôn đối mặt thách thức, không chỉ phụ thuộc ý chí và mong muốn của hai miền, mà còn chịu tác động từ quan hệ Mỹ - Triều và vấn đề hạt nhân. Các sáng kiến hợp tác về kinh tế và y tế có thể giúp con đường hòa bình trên bán đảo Triều Tiên bớt gập ghềnh.