Khôi phục vị thế lãnh đạo

Sau những quyết định đưa Mỹ trở lại các thỏa thuận, tổ chức đa phương, Tổng thống Joe Biden chủ trì hội nghị quốc tế đầu tiên - Hội nghị cấp cao về khí hậu, được tổ chức đúng dịp Ngày Trái đất (22-4). Sự kiện này đánh dấu nỗ lực của Mỹ khôi phục vị thế lãnh đạo thế giới, với sự ủng hộ và hợp tác của các đồng minh, đối tác.

Biếm họa của INGRAM PINN
Biếm họa của INGRAM PINN

Xác định chống biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trọng tâm chính sách đối ngoại, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã công bố quyết định Mỹ quay lại tham gia Thỏa thuận Paris về chống BĐKH. Tiếp đến, ông liên tiếp ký các sắc lệnh hoãn triển khai một loạt dự án về dầu khí. Tổng thống Mỹ cũng đề xuất kế hoạch chi tiêu hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề BĐKH. Cuối tháng 3 vừa qua, ông Biden mời 40 nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị cấp cao về khí hậu, diễn ra trong hai ngày 22 và 23-4, theo hình thức trực tuyến. 

Nhà trắng tuyên bố, Mỹ hy vọng chứng kiến các cam kết mạnh mẽ hơn tại sự kiện quốc tế lần này nhằm ngăn chặn và tiến tới đảo ngược tình trạng BĐKH đang gây tác động ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời, thể hiện vai trò của Mỹ dẫn dắt các nỗ lực bảo vệ khí hậu toàn cầu. Phát biểu ý kiến trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken nêu rõ, Mỹ cam kết đi đầu trong cuộc chiến chống BĐKH; nếu thành công trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, thế giới có được cơ hội lớn để tạo nhiều việc làm có chất lượng cao cho các thế hệ tương lai, thúc đẩy xây dựng xã hội công bằng, lành mạnh và bền vững hơn.

Trước đó, hoạt động “ngoại giao khí hậu” đã được Nhà trắng ráo riết triển khai nhằm bảo đảm thành công cho Hội nghị. Cùng các cuộc điện đàm với nhiều nhà lãnh đạo các nước, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu, ông John Kerry đã có một loạt chuyến ngoại giao con thoi đến châu Âu và khu vực Trung Đông, tới Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, Đặc phái viên John Kerry là quan chức cấp cao đầu tiên của chính quyền Tổng thống Joe Biden thăm Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước chưa hạ nhiệt trong nhiều lĩnh vực. Tuyên bố chung giữa giới chức hai nước nêu rõ, Mỹ và Trung Quốc sẽ hợp tác cùng nhau và với các nước giải quyết khủng hoảng khí hậu, ứng phó dựa trên tính nghiêm trọng và cấp bách của vấn đề; và cùng các bên thúc đẩy thực thi Thỏa thuận Paris.

Được tổ chức trước Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH lần thứ 26 (COP 26) vào tháng 11 tới, Hội nghị cấp cao về khí hậu do Mỹ chủ trì được kỳ vọng đóng góp quan trọng cho nỗ lực chống BĐKH, góp phần thiết thực cho thành công của COP 26. Hội nghị thành công giúp Mỹ khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu, khi thu hút sự tham gia và cam kết hành động của các nước lớn, chứng tỏ khả năng của Mỹ kết nối, điều phối hợp tác giữa các đồng minh, đối tác. Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế hàng đầu, cũng là các quốc gia xả khí thải nhiều nhất thế giới, chiếm gần một nửa lượng “khí nhà kính” trên toàn cầu. Vì thế, sự góp mặt của Mỹ và Trung Quốc tại hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính biểu tượng cao.

Tuy nhiên, nỗ lực khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ qua hội nghị này không phải dễ dàng. Quy mô của sự kiện được đánh giá cao nhờ sự góp mặt của hàng chục nhà lãnh đạo quốc gia, gồm các cường quốc, các nước có lượng khí thải lớn và cả những nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của BĐKH. Song, đến sát ngày khai mạc hội nghị, Mỹ vẫn chưa nhận được lời khẳng định tham dự của nhiều đồng minh, đối tác quan trọng, trong đó có Ấn Độ, cũng như của cả Nga và Trung Quốc. 

Trong khi đó, Trung Quốc thúc đẩy nỗ lực riêng, phối hợp với các đối tác châu Âu trong vấn đề khí hậu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa tham dự hội nghị cấp cao trực tuyến ba bên, với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Trong đó, ba nước khẳng định phối hợp trong các mục tiêu chung về chống BĐKH.