JCPOA bên bờ vực

Tuần qua đánh dấu hàng loạt nỗ lực ngoại giao của Iran nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này hồi tháng 5. Tuy vậy, trước sức ép gia tăng của các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ, Tehran đang tỏ ra thất vọng với những nỗ lực mờ nhạt của ba nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức để bảo đảm những cam kết trước đó trong thỏa thuận.

Biếm họa của PARESH NATH
Biếm họa của PARESH NATH

Từ ngày 2 đến 4-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có chuyến thăm chính thức tới hai nước Thụy Sĩ và Áo nhằm thúc đẩy sự ủng hộ đối với việc duy trì thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), do Iran ký với sáu cường quốc nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Trước đó, ngày 8-5 vừa qua, Mỹ đã đơn phương rút khỏi JCPOA bất chấp sự phản đối của các đối tác.

Chuyến công du của ông Rouhani tới hai nước châu Âu đã phát đi thông điệp rằng Tehran mong muốn duy trì JCPOA và bảo toàn những lợi ích mà thỏa thuận này mang lại. Phát biểu ý kiến tại Vienna (Áo), ông Rouhani nhấn mạnh các hành động của Mỹ đi ngược lại hòa bình và sự ổn định. Quan điểm của ông cũng được Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đồng tình. Là nước chủ nhà chứng kiến quá trình đàm phán và lễ ký kết thỏa thuận lịch sử này, Áo khẳng định cam kết ủng hộ duy trì JCPOA như là một yếu tố quan trọng trong tiến trình chống phổ biến vũ khí hạt nhân.

Dù vậy, Áo và Thụy Sĩ chỉ đóng vai trò trung gian trong việc thúc đẩy hành động của các đối tác châu Âu với thỏa thuận này. Nỗ lực duy trì JCPOA của Anh, Đức và Pháp mới là nhân tố then chốt mà Iran cần tìm kiếm. Là những nền kinh tế “đầu tàu” Liên hiệp châu Âu (EU), Đức và Pháp cũng từng cam kết cứu vãn thỏa thuận này bằng các biện pháp duy trì thương mại nhằm thuyết phục chính quyền Tehran không rút khỏi thỏa thuận.

Trong ngày 5-7, ông Rouhani đã thực hiện các cuộc điện đàm với hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp với hy vọng có thể nhận được sự ủng hộ rõ rệt hơn để đối phó lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt với Iran, đồng thời mở hướng đi cho các cuộc đàm phán ở hội nghị cấp bộ trưởng giữa Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc diễn ra một ngày sau đó. Dù vậy, thái độ có phần “thiếu lửa” của các đối tác châu Âu đã khiến nhà lãnh đạo Iran thất vọng.

Ông Rouhani cho rằng, các đề xuất mà EU đưa ra là chưa đủ mạnh và không thể bảo đảm lợi ích của Tehran liên quan thỏa thuận này. Theo báo Đức Deutsche Welle, ông Rouhani mong muốn Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra chiến lược hợp tác cụ thể hơn giữa EU và Tehran trong thời gian tới.

Hội nghị giữa năm nước còn lại trong JCPOA với Iran diễn ra lần đầu kể từ khi chính quyền Washington tuyên bố rời khỏi thỏa thuận đã được tổ chức ngày 6-7 tại Vienna. Trong cuộc họp, các quan chức Iran tìm kiếm những cam kết duy trì hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và Tehran vẫn có quyền truy cập hệ thống thanh toán quốc tế.

Song, các nhà ngoại giao châu Âu tỏ ra thận trọng khi đề cập các giải pháp có thể đáp ứng kỳ vọng của Tehran. EU cho rằng họ vẫn đang giữ lời hứa “cứu” thỏa thuận, nhưng khó thực hiện ở mức độ cam kết ban đầu. Trong khi đó, Tehran lại đòi hỏi nhiều hơn khi mong muốn EU tiếp tục bảo đảm doanh thu dầu mỏ và đầu tư vào Iran trước sức ép ngày càng gia tăng của Mỹ.

Kể từ sau tuyên bố rút khỏi JCPOA, Washington đã liên tiếp đe dọa trừng phạt Iran với mục tiêu đưa doanh thu từ xuất khẩu dầu của Tehran về 0%, đồng thời cảnh báo tất cả các nước sẽ phải ngừng nhập khẩu dầu mỏ của Iran từ ngày 4-11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington.

Cho đến thời điểm hiện nay, Anh, Pháp và Đức vẫn cam kết duy trì JCPOA và phản đối Mỹ đơn phương theo đuổi cấm vận nhằm vào Iran. Song trước những chiến lược cứng rắn và khó dự đoán mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng trong thời gian qua, các nước châu Âu cũng đang rơi vào “thế bí” trong quan hệ với Mỹ, chứ chưa nói gì đến hậu thuẫn đối tác khác chống lại cấm vận của Washington. Vì thế, JCPOA đang đứng trước bờ vực đổ vỡ hơn lúc nào hết.