Hướng tới cộng đồng kinh tế Đông - Bắc Á

Sau nhiều lần trì hoãn, Hội nghị cấp cao Trung Quốc - Hàn Quốc - Nhật Bản đã diễn ra với mục tiêu chung là thúc đẩy thương mại tự do, hợp tác hài hòa, hướng tới thành lập cộng đồng kinh tế chung giữa ba nước Đông - Bắc Á.

Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tại Hội nghị cấp cao ba nước. Ảnh: CHINA DAILY
Các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản tại Hội nghị cấp cao ba nước. Ảnh: CHINA DAILY

Hội nghị cấp cao Trung - Nhật - Hàn được tổ chức hằng năm, trên cơ sở luân phiên giữa ba nước nhằm tăng cường quan hệ đối tác ba bên trong nhiều lĩnh vực. Hội nghị lần này đã bị hoãn vài lần do căng thẳng quan hệ giữa Nhật Bản với hai nước láng giềng liên quan tranh cãi lịch sử và tranh chấp lãnh thổ. Do vậy, hội nghị tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tạo lực đẩy tăng cường quan hệ tin cậy về chính trị, bảo đảm an toàn, ổn định khu vực để cùng nhau đối phó với áp lực kinh tế thế giới suy giảm.

Theo AP, tổng kim ngạch thương mại của ba nước chiếm gần một phần sáu tổng kim ngạch thương mại thế giới, do đó việc ba nước Đông - Bắc Á tăng cường hợp tác sẽ phát đi tín hiệu tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới đang giảm sút và những xung đột về chính trị leo thang. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng nhấn mạnh sự cần thiết của hợp tác hài hòa giữa ba nước, thúc đẩy việc hình thành một cộng đồng kinh tế gắn kết. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi Trung Quốc và Hàn Quốc sớm đạt thỏa thuận về việc ký kết Hiệp định tự do thương mại Nhật - Trung - Hàn, cũng như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ý tưởng thành lập cộng đồng kinh tế Đông - Bắc Á được lãnh đạo cấp cao ba nước, cũng như dư luận hết sức quan tâm. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đề xuất ba nguyên tắc hợp tác để đạt được mục tiêu này, bao gồm hợp tác để bảo đảm trật tự thương mại tự do, tăng cường quan hệ đối tác trong các ngành công nghiệp mới để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hợp tác vì hòa bình ở Đông - Bắc Á. Theo Tổng thống Moon Jae-in, nhiều cơ hội kinh doanh sẽ được tạo ra nếu ba bên cùng thiết lập một cộng đồng năng lượng, kinh tế và hòa bình.

Bên cạnh vấn đề kinh tế, Thủ tướng Nhật Bản mong muốn nhân dịp hội nghị cấp cao này để cùng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên, đẩy mạnh hợp tác ba bên nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sớm giải quyết vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Tokyo cũng mong muốn ba nước thúc đẩy tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên.

Bên cạnh việc nhất trí những vấn đề chung, Hội nghị cấp cao Trung - Nhật - Hàn lần này còn là dịp để kết nối, hàn gắn những rạn nứt trong quan hệ song phương giữa các nước Đông - Bắc Á. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí cùng nhau thúc đẩy quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, trong bối cảnh Tokyo đang chuẩn bị cho chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc đến Nhật Bản vào mùa xuân tới. Sau nhiều năm bất đồng về các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ, Thủ tướng Shinzo Abe đã tới Trung Quốc cuối tháng 10-2018 trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của một lãnh đạo Nhật Bản trong bảy năm. Hai bên đã đặt nền móng cho quan hệ ổn định lâu dài dựa trên ba nguyên tắc: chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác; trở thành đối tác và không đe dọa lẫn nhau; phát triển quy tắc thương mại tự do, công bằng.

Bên lề hội nghị, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tiến hành cuộc gặp cấp cao đầu tiên trong vòng 15 tháng, động thái được coi là dấu hiệu cải thiện quan hệ vốn bị căng thẳng do các vấn đề lịch sử và thương mại.

Các nhà phân tích cho rằng, kết quả của hội nghị cấp cao Trung - Nhật - Hàn lần này, cùng các cuộc gặp cấp cao bên lề hội nghị được coi là kim chỉ nam cho các cuộc đàm phán trong tương lai nhằm cải thiện quan hệ, tăng cường hợp tác tại khu vực Đông - Bắc Á. Ngoài ra, sự nổi lên của chủ nghĩa bảo hộ, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa ba nước để bảo đảm an toàn, ổn định khu vực.