Hệ lụy của Brexit

Dịp kỷ niệm 23 năm ký thỏa thuận “Thứ sáu tốt lành” ở Bắc Ireland lại bị phủ bóng đen bằng làn sóng bạo lực bất ngờ bùng lên, không chỉ bởi mâu thuẫn âm ỉ giữa các phe phái, mà còn xuất phát từ bất đồng quan điểm liên quan thực thi thỏa thuận Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit. Hệ lụy Brexit có nguy cơ đẩy vùng lãnh thổ thuộc Vương quốc Anh này trở lại vòng xoáy xung đột sắc tộc. 

Biếm họa của PETER SCHRANK
Biếm họa của PETER SCHRANK

Người biểu tình quá khích ném gạch đá, bom xăng về phía cảnh sát, đốt phá phương tiện và tài sản trên phố, buộc lực lượng an ninh sử dụng vòi rồng, đạn cao-su để giải tán đám đông. Bạo lực tồi tệ xảy ra suốt tuần trước ở thủ phủ Belfast và TP Londonderry, đúng dịp kỷ niệm lần thứ 23 ngày các phe phái ở Bắc Ireland ký thỏa thuận “Thứ sáu tốt lành” ngày 10-4-1998, chấm dứt hơn 30 năm xung đột sắc tộc từng khiến khoảng 3.500 người chết. 

Đợt bạo loạn vừa qua là bất ổn nghiêm trọng nhất tại Bắc Ireland trong nhiều năm gần đây, mà nguyên do trực tiếp xuất phát từ việc triển khai thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU sau khi London rời khối. Là phần duy nhất của Anh có biên giới trên đất liền với một nước thành viên EU là CH Ireland, Bắc Ireland được xem là điểm rắc rối nhất. Một nghị định thư đặc biệt về Bắc Ireland được đính kèm thỏa thuận “hậu Brexit”, nhằm bảo đảm vùng lãnh thổ thuộc Anh này vẫn ở lại thị trường chung EU, tránh dựng lên “biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và CH Ireland, cũng như duy trì thỏa thuận “Thứ sáu tốt lành”.

Tuy nhiên, để bảo đảm tuân thủ quy định của thị trường chung, nhân viên hải quan EU được phép kiểm tra hàng hóa từ Anh qua vùng Bắc Ireland vào EU. Đây là điều phe ủng hộ Vương quốc Anh tại Bắc Ireland phản đối gay gắt. Việc triển khai nghị định thư nêu trên từ ngày 1-1-2021 lại gây tình trạng ùn tắc tại các cảng, làm gián đoạn nghiêm trọng việc lưu thông hàng hóa từ Anh sang Bắc Ireland, càng khiến phe ủng hộ Anh thêm bất bình, cho rằng Bắc Ireland không còn là một phần của Vương quốc Anh.

Trong khi đó, đại dịch Covid-19 làm gia tăng tình trạng thiếu hụt hàng hóa tại Bắc Ireland. Thiệt hại về kinh tế, gián đoạn các hoạt động xã hội, giáo dục và du lịch, cùng tỷ lệ nghèo đói, thất nghiệp mức cao do dịch bệnh đã khiến tình trạng hỗn độn ở vùng lãnh thổ này thêm nghiêm trọng. Cùng mâu thuẫn vẫn âm ỉ giữa các cộng đồng Thiên chúa giáo và Tin lành, giữa các phe ủng hộ Vương quốc Anh và CH Ireland, tâm lý bất bình vì tình trạng gián đoạn hoạt động kinh tế do Brexit và bất ổn xã hội đã thổi bùng bạo lực. 

Cơ quan lập pháp, các đảng phái chính trị và chính quyền vùng Bắc Ireland đều lên án các hành động bạo lực và phá hoại, kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại. Trong tuyên bố chung, các đại diện của cả phe theo chủ nghĩa hợp nhất, chủ nghĩa dân tộc và ôn hòa đều kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành vi bạo loạn. Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Bắc Ireland trực tiếp tới Belfast, thảo luận giới chức vùng nhằm “hạ nhiệt” cơn sốt bạo lực tại đây. Thủ tướng Anh Boris Johnson và người đồng cấp CH Ireland Micheal Martin điện đàm khẩn cấp, nhất trí nhanh chóng chấm dứt bạo lực. Phía Ireland khẳng định ủng hộ Chính phủ Anh thúc đẩy các phe phái ở Bắc Ireland đối thoại, giải quyết bất đồng.

EU và Mỹ cũng lên án bạo loạn ở Bắc Ireland. Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định, tình hình hiện nay không có lợi cho bất cứ bên nào ở Bắc Ireland. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà trắng tuyên bố ủng hộ duy trì an ninh tại Bắc Ireland, đồng thời kêu gọi Anh và EU ưu tiên bảo đảm ổn định chính trị và kinh tế, duy trì thỏa thuận hòa bình tại Bắc Ireland, khi hai bên triển khai thỏa thuận “hậu Brexit”.

Tình trạng bạo loạn tại Bắc Ireland là hệ lụy nghiêm trọng của Brexit, khi những người phản đối cáo buộc thỏa thuận “hậu Brexit” đã dựng lên rào cản, chia tách Bắc Ireland với Vương quốc Anh. Lo ngại nếu không sớm được giải tỏa có thể đẩy vùng lãnh thổ này trở lại vòng xoáy bất ổn và xung đột.