Hạ nhiệt “cơn sốt vaccine”

Cuộc đua sở hữu vaccine ngừa Covid-19 vốn căng thẳng lại càng nóng hơn khi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện ở nhiều quốc gia, đẩy số ca bệnh trên thế giới tăng vọt. Trước thềm khởi động chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước chia sẻ, góp phần hạ nhiệt “cơn sốt vaccine” đang đẩy các nước nghèo vào tình cảnh vô cùng khó khăn.

Biếm họa của PLOP & KANKR
Biếm họa của PLOP & KANKR

Cuộc đua sở hữu vaccine ngừa Covid-19 vốn căng thẳng lại càng nóng hơn khi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện ở nhiều quốc gia, đẩy số ca bệnh trên thế giới tăng vọt. Trước thềm khởi động chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước chia sẻ, góp phần hạ nhiệt “cơn sốt vaccine” đang đẩy các nước nghèo vào tình cảnh vô cùng khó khăn.Tại cuộc họp thường kỳ của WHO hôm 18-1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trích dẫn những con số cụ thể để nêu bật mối lo ngại về sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine ngừa Covid-19 hiện nay. Theo WHO, có 44 thỏa thuận song phương về mua bán vaccine phòng Covid-19 được ký kết trong năm 2020 và dự kiến có 12 hợp đồng nữa được hoàn tất thời gian tới. Những thỏa thuận của các hãng dược phẩm với từng quốc gia riêng lẻ có thể làm chậm tiến độ và phá hỏng mục tiêu phân phối công bằng của chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu mang tên COVAX do WHO dẫn dắt. Đồng thời, cũng có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường vaccine, gây chia rẽ trong cộng đồng quốc tế.

Điều gây lo ngại nữa là cuộc đua giành vaccine của các nước giàu góp phần làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng trong việc tiếp cận, trong đó nhóm các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất phải hứng chịu rủi ro đầu tiên. Hậu quả trực tiếp từ việc phân phối vaccine không đồng đều là đại dịch tiếp tục kéo dài. WHO dẫn chứng, hiện 49 quốc gia có thu nhập cao nhận được 39 triệu liều vaccine, trong khi chỉ 25 triệu liều được phân phối tới các nước nghèo hơn.

Vaccine được xem là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch Covid-19 diễn biến khó lường. Vì thế, nỗ lực của các nước sở hữu vaccine là điều dễ hiểu, nhằm phục vụ các chương trình tiêm chủng đại trà trong nước. AFP dẫn số liệu thống kê cho thấy, ít nhất 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 61% dân số thế giới, đã triển khai chiến dịch tiêm phòng. Tuy nhiên, có tới 90% số lượng vaccine được tiêm tại 11 quốc gia giàu có. Thực tế trên khiến nguồn cung vaccine vốn khan hiếm, một phần do chỉ số ít vaccine được các cơ quan quản lý dược phẩm cấp phép sử dụng, lại càng trở nên khó khăn hơn.

Hiện có bảy loại vaccine được lưu hành trên thế giới. Trong đó, vaccine của Pfizer/BioNTech (Đức và Mỹ) và Moderna (Mỹ) được sử dụng rộng rãi ở các khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và vùng Vịnh. Các vaccine Sputnik V (Nga), Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc), AstraZeneca/Oxford (Anh) hay Bharat Biotech (Ấn Độ) được ưu tiên sử dụng cho những nước này. Theo số liệu của WHO, tổng cộng có 237 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được phát triển, trong đó có 64 loại đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng và chưa rõ ràng về tính hiệu quả, cũng như an toàn phòng bệnh. Đến nay, chưa có bằng chứng khoa học chứng tỏ các vaccine hiện hành có khả năng chống chọi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Thực tế này càng gia tăng sức ép với các hãng sản xuất và kênh phân phối vaccine.

Trước tình trạng khan hiếm nguồn cung vaccine, WHO lên án “chủ nghĩa dân tộc” trong việc phân phối, kêu gọi các nước lớn và phát triển chia sẻ vaccine tới các nước nghèo, các nước đang phát triển. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, thế giới đang bên bờ vực “thất bại nghiêm trọng” trong việc bảo đảm công bằng quyền tiếp cận vaccine phòng Covid-19. Tháng 2 tới, WHO sẽ khởi động chương trình COVAX, với mục tiêu trong năm 2021 bảo đảm cung cấp khoảng hai đến ba tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo. Dự kiến đến hết tháng 3, khoảng 135 triệu liều sẽ được phân phối tới 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình tham gia chương trình. WHO cũng đang đàm phán với Pfizer để đưa vaccine của hãng vào cơ chế COVAX.

Tình hình dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu lắng dịu, thậm chí còn bùng phát mạnh hơn ở một số nơi. Sau hai tuần “hạ nhiệt” hồi cuối năm 2020, số ca mắc Covid-19 những tuần đầu năm mới lại tăng đột biến. Dù trong đợt nghỉ lễ kéo dài và các biện pháp hạn chế được siết chặt hơn, nhưng chỉ trong một tuần, thế giới vẫn có thêm 5 triệu ca mắc và 93 nghìn trường hợp tử vong.