Đòn phủ đầu mạo hiểm

Mối quan hệ Nga - Mỹ dưới thời chủ nhân Nhà trắng Joe Biden đang bước vào giai đoạn căng thẳng, sau khi Washington gần đây liên tục đưa ra những hành động cũng như đe dọa nhằm vào Moscow. Nhiều ý kiến cho rằng, thái độ cứng rắn của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho thấy Mỹ chưa có kế hoạch cải thiện quan hệ với Nga và vẫn duy trì sức ép nhằm đạt được những toan tính riêng.

Biếm họa của SONG CHEN
Biếm họa của SONG CHEN

Trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC News phát sóng hôm 17-3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đã cảnh báo người đồng cấp Nga rằng Washington có thể sẽ hành động nếu phát hiện bằng chứng về sự can thiệp của Moscow vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2020. Trước đó, báo cáo chung của tình báo Mỹ bao gồm Cục Tình báo trung ương (CIA) và Bộ An ninh nội địa (DHS) đã được giải mật, tiết lộ Nga “cố gắng can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 nhằm hạ thấp ông Biden và đảng Dân chủ, ủng hộ ông Donald Trump, làm suy giảm lòng tin của công chúng vào tiến trình bầu cử và làm trầm trọng thêm sự chia rẽ chính trị, xã hội ở Mỹ”. Sau đó, truyền thông Mỹ đưa tin Washington dự kiến ​​công bố các biện pháp trừng phạt đối với Moscow như một động thái đáp trả. 

Không chỉ ông Biden “nặng lời” với Nga, mà giới chức Mỹ cũng liên tiếp đưa ra những chỉ trích và đe dọa đối với Moscow. Ngày 18-3, Mỹ thông báo mở rộng các biện pháp hạn chế đã được áp đặt đối với Nga liên quan cáo buộc đầu độc thủ lĩnh đối lập Alexei Navalny. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các biện pháp mới sẽ ngăn chặn xuất khẩu tới Nga thêm nhiều mặt hàng nằm trong diện kiểm soát vì các lý do an ninh quốc gia, bao gồm một số công nghệ, phần mềm và linh kiện. Trước đó, Mỹ cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bảy quan chức cấp cao và 14 thực thể của Nga liên quan chính trị gia đối lập Alexei Navalny, bất chấp Điện Kremli đã bác bỏ mọi cáo buộc và nêu rõ không có bằng chứng ông Navalny bị đầu độc. 

Sức ép dồn dập hướng vào Nga khi Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken ngày 18-3 tuyên bố, Bộ Ngoại giao nước này đang theo dõi các nỗ lực muốn hoàn tất dự án đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga tới một số nước châu Âu. Bộ trưởng Blinken nêu rõ: “Mọi thực thể liên quan đường ống đều có nguy cơ hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ”.  Mỹ từ lâu chỉ trích dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga về khí tự nhiên và qua đó thúc đẩy ảnh hưởng của Nga.

Trước những cáo buộc và biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga thông báo Đại sứ nước này tại Mỹ, ông Anatoly Antonov, đã được triệu về Moscow để tham vấn nhằm xác định các bước tiếp theo liên quan quan hệ hai nước. Tuy nhiên, phía Nga vẫn giữ quan điểm không làm phức tạp thêm tình hình. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Maria Zakharova cho biết, Moscow sẽ không có những động thái nhằm làm xấu đi quan hệ với Washington sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra những chỉ trích gay gắt nói trên. “Đối với Nga, điều quan trọng là xác định cách khôi phục quan hệ Nga - Mỹ, vốn đang ở trong tình trạng khó khăn và bị Washington đẩy vào ngõ cụt trong những năm qua”, bà Zakharova nhấn mạnh.

Ngoài ra, nhằm thể hiện thiện chí xây dựng lòng tin với Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 18-3 tuyên bố ông sẵn sàng tổ chức đối thoại trực tuyến công khai với người đồng cấp Mỹ Joe Biden. Phát biểu ý kiến trên Truyền hình nhà nước Nga, Tổng thống Putin khẳng định ông sẵn sàng đối thoại về mối quan hệ song phương với Mỹ cũng như các vấn đề khác. Tổng thống Putin cho biết sẽ chỉ thị Bộ Ngoại giao xúc tiến chuẩn bị cho cuộc đối thoại. 

Giới quan sát nhận định rằng, những động thái cứng rắn nói trên của chính quyền Tổng thống Joe Biden là “đòn phủ đầu” với Nga kể từ khi ông nhậm chức. Điều này gây chú ý bởi trong khi hầu hết Tổng thống Mỹ khi nhậm chức đều tuyên bố sẽ tìm cách điều chỉnh quan hệ với Nga thì ông Biden đã làm điều ngược lại. Tuy nhiên, cách tiếp cận này được xem là mạo hiểm, bởi không những không làm cải thiện mối quan hệ vốn đang xấu đi giữa hai nước mà còn có thể gây ra những căng thẳng mới có thể vượt tầm kiểm soát.