Đối phó các thách thức toàn cầu

Hội nghị hằng năm Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), diễn ra dưới hình thức trực tuyến từ ngày 25 đến 29-1, đã thảo luận và nêu bật các thách thức toàn cầu như đại dịch Covid-19, tình trạng thất nghiệp và nợ tăng cao, bất bình đẳng thu nhập gia tăng cũng như vấn đề biến đổi khí hậu...

Biếm họa của OSAMA HAJJAJ
Biếm họa của OSAMA HAJJAJ

Ban tổ chức WEF cho biết, 25 nguyên thủ trên thế giới cùng hơn 2.000 lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự tham gia tuần lễ Chương trình nghị sự Davos 2021 với trọng tâm giải quyết hậu quả của đại dịch Covid-19 và thúc đẩy hợp tác toàn cầu. Trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, người sáng lập WEF Klaus Schwab đã nhấn mạnh, Hội nghị Davos sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp một cách có trách nhiệm, tăng cường quản trị toàn cầu, đạt tiến triển trong nỗ lực trung hòa khí thải carbon… 

Trong những phiên thảo luận đầu tiên của Diễn đàn năm nay, WEF đã kêu gọi đoàn kết để đối phó các thách thức toàn cầu, tạo việc làm, hướng đến các hệ thống kinh tế - xã hội công bằng hơn, định hình những xu hướng công nghệ mới hiệu quả hơn. Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin nhận định, Hội nghị Davos năm nay tập trung giải quyết các vấn đề quan trọng như: định hình nền kinh tế toàn cầu phát triển bền vững, tăng cường hợp tác toàn cầu, tận dụng các cơ hội do công nghệ kỹ thuật số mang lại…

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tàn phá kinh tế thế giới, giải quyết các thách thức kinh tế là một trọng tâm của diễn đàn năm nay. Nhận định về tình hình kinh tế thế giới, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho rằng, 2021 có thể là năm phục hồi, nhưng sẽ kèm theo những rủi ro lớn trước khi thế giới có thể chuyển sang nền kinh tế mới. Bà Lagarde nhấn mạnh, số liệu quý IV - 2020 cho thấy lộ trình hướng tới phục hồi của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bị trì hoãn sau loạt biện pháp phong tỏa và hạn chế đi lại để chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế nêu trên không hề bị chệch hướng, trong đó chính sách tài chính vẫn đóng vai trò chủ đạo. Người đứng đầu ECB cho rằng, thế giới cần  dịch chuyển sang nền kinh tế mới và quá trình này sẽ bao gồm số hóa và phát triển xanh, cùng một số nhân tố khác.

Trong phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, thế giới đang đối mặt các vấn đề phức tạp và “cách duy nhất để vượt qua là duy trì chủ nghĩa đa phương” và xây dựng cộng đồng hướng tới tương lai chung cho toàn nhân loại. Theo ông, để duy trì chủ nghĩa đa phương trong thế kỷ 21, thế giới cần thúc đẩy truyền thống tốt đẹp, tiếp nhận quan điểm mới và hướng tới tương lai. Chủ tịch Trung Quốc cũng kêu gọi thế giới cải cách và cải thiện hệ thống quản trị toàn cầu trên cơ sở tham vấn sâu rộng và xây dựng sự đồng thuận.

Các đại biểu tham dự WEF cũng nêu bật những thách thức của đại dịch Covid-19 với thế giới. Chủ tịch ECB nhấn mạnh rằng, dịch bệnh khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, gây tác động tiêu cực lâu dài đối với các lĩnh vực sản xuất và phi sản xuất. Cùng thời điểm diễn ra WEF năm nay, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, đại dịch Covid-19 đã gây tổn thất lớn cho thị trường việc làm toàn cầu, khiến thế giới mất khoảng hơn 250 triệu việc làm trong năm 2020. Nghiên cứu mới nhất mà ILO vừa công bố chỉ ra rằng, tổng số giờ làm việc trên toàn thế giới đã giảm 8,8% trong năm 2020, so chỉ riêng quý IV - 2019. Điều này đồng nghĩa rằng năm 2020, thế giới mất đi 255 triệu việc làm toàn thời gian, gần gấp bốn lần số việc làm bị giảm sút trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2009. Theo các chuyên gia của ILO, với thời lượng lao động bị sụt giảm như vậy, thu nhập lao động toàn cầu cũng giảm 8,3%, tương đương 3.700 tỷ USD.

Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt các thách thức lớn như trên, với sự quy tụ lãnh đạo nhiều nước lớn và hàng nghìn lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức xã hội dân sự, WEF lần này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế, tạo việc làm và thay đổi cách thức phát triển kinh tế. WEF đang đặt mục tiêu tổ chức hội nghị cấp cao theo hình thức trực tiếp tại Singapore vào tháng 5 tới.