Diễn biến nguy hiểm

Ngay trước thềm cuộc bầu cử có ý nghĩa quyết định với đảng Likud cầm quyền, Thủ tướng Israel B.Netanyahu đã công bố kế hoạch mở rộng chủ quyền của nước này qua Thung lũng Jordan và phía bắc của Biển Chết. Động thái của ông Netanyahu bị đánh giá là một bước đi nguy hiểm, cản trở tiến trình hòa bình Trung Đông và gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ cộng đồng quốc tế.

Biếm họa của LUIS VAZQUEZ
Biếm họa của LUIS VAZQUEZ

Chỉ một tuần trước bầu cử, Thủ tướng Netanyahu cam kết sẽ áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp ở khu Bờ Tây, đồng thời cho biết các khu định cư Do Thái sẽ là mục tiêu tiếp theo nếu đảng Likud của ông giành thắng lợi tại cuộc bầu cử vào ngày 17-9 tới. Thung lũng Jordan rộng 2.400 km2, chiếm gần 30% vùng Bờ Tây, được xem là một khu vực chiến lược cả về an ninh và nông nghiệp. Thủ tướng Netanyahu gọi bước đi này là “cơ hội lịch sử” để mở rộng chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây.

Tuyên bố gây tranh cãi này của nhà lãnh đạo Israel đã vấp phải sự chỉ trích của LHQ, các nước Arab - Hồi giáo và nhiều cường quốc. Tổng Thư ký LHQ A.Guterres cảnh báo kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu nếu được triển khai sẽ “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, hủy hoại cơ hội khôi phục đàm phán và hòa bình khu vực cũng như phá hoại nghiêm trọng khả năng tiến tới giải pháp hai nhà nước”. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, việc thực thi kế hoạch trên có thể dẫn tới leo thang, căng thẳng, đột ngột tại khu vực và dập tan hy vọng về việc thiết lập nền hòa bình được mong chờ từ lâu giữa Israel và các nước Arab láng giềng.

Trong một thông cáo chung, các Bộ trưởng Ngoại giao Arab cho rằng, tuyên bố trên của Thủ tướng Israel là “một diễn biến nguy hiểm và là một động thái gây hấn mới của Israel”. Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Aboul-Gheit cảnh báo, với ý đồ sáp nhập trên, Israel đang “đùa với lửa”.

Là bên liên quan trong quyết định gây tranh cãi của Israel, Palestine đã phản ứng quyết liệt về kế hoạch của Thủ tướng Netanyahu. Tổng thống Palestine M.Abbas cảnh báo tất cả các thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt nếu Thủ tướng Netanyahu sáp nhập Thung lũng Jordan. Bộ trưởng Ngoại giao Palestine R.Malki còn kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ áp đặt trừng phạt Israel sau động thái trên. Ông Malki cho rằng, Thủ tướng Netanyahu đã lợi dụng cuộc bầu cử tại Israel để mở rộng chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine, thể hiện sự coi thường các nghị quyết của LHQ, những định chế liên quan và các quốc gia mong muốn nền hòa bình cho Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước - giải pháp duy nhất cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Đồng thời, Palestine cảnh báo cắt đứt quan hệ với Mỹ nếu Washington ủng hộ ý định này của Thủ tướng Israel. Tổng thống Palestine đã gửi thư tới cộng đồng quốc tế nêu rõ: “Nếu chính quyền Mỹ ủng hộ hoặc tán thành những lời dọa của ông Netanyahu về sáp nhập Thung lũng Jordan, Biển Chết và tất cả khu định cư, điều này sẽ phá hủy bất kỳ mối quan hệ hay liên lạc nào còn tồn tại với chính quyền Palestine”.

Với quan điểm ủng hộ Palestine, tại một cuộc gặp các đại sứ tại LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Jordan A.Safadi cho rằng, cộng đồng quốc tế cần lên án cam kết của ông Netanyahu vì đây là “một sự leo thang nguy hiểm, làm lung lay các nền tảng của tiến trình hòa bình và sẽ chỉ dẫn tới bạo lực và xung đột trong khu vực”. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ M.Cavusoglu chỉ trích cam kết tranh cử của ông Netanyahu đã “truyền đạt thông điệp phi pháp, hiếu chiến và phân biệt chủng tộc trước thềm cuộc bầu cử”. Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Palestine, Quốc vương Saudi Arabia Salman nêu rõ, Saudi Arabia bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Thủ tướng Israel về ý định sáp nhập các vùng đất tại khu Bờ Tây. Theo yêu cầu của Saudi Arabia, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), bao gồm 57 quốc gia Hồi giáo, tổ chức hội nghị khẩn cấp vào ngày 15-9 để thảo luận về “động thái leo thang của Israel”.

Trong bối cảnh nêu trên, nếu như các thành viên HĐBA LHQ cũng như cộng đồng quốc tế không có hành động và giải pháp hữu hiệu ngăn chặn việc mở rộng chủ quyền của Israel qua Thung lũng Jordan, thì đây không chỉ là diễn biến nguy hiểm, mà còn tạo ra một “tiền lệ nguy hiểm” trong quan hệ quốc tế, gieo mầm cho những xung đột, bất ổn trong thời gian tới.