Cú sốc trên thị trường “vàng đen”

Giá dầu tại Mỹ ngày 20-4 vừa qua đã giảm xuống mức thấp kỷ lục âm 37,63 USD/thùng, mức giá thấp nhất kể từ năm 1983. Đây là hệ quả của việc nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu sử dụng “đóng băng” do các biện pháp phong tỏa và cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19.

Biếm họa của ABDELGHANI DAHDOUH
Biếm họa của ABDELGHANI DAHDOUH

Đêm 20-4 (giờ Việt Nam), lần đầu trong lịch sử, dầu thô WTI (dầu ngọt nhẹ Tây Texas) đã chốt phiên ở mức chưa bao giờ xảy ra là âm 37,63 USD/thùng, mức giá phá vỡ mọi tiền lệ và dự đoán về loại “vàng đen” này. Lúc đầu, mức giá rơi xuống tận âm 40,32 USD/thùng rồi quay ngược lại mức âm 37,63 USD/thùng khi chốt phiên giao dịch. WTI là dầu thô được khai thác tại Mỹ, thường được dùng để tinh chế xăng và giao dịch ở Sàn Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX).

Theo hãng tin Bloomberg, nguyên nhân chính khiến giá dầu WTI giảm về mức âm là do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng các nền kinh tế thế giới, làm tê liệt nhiều hoạt động giao thông đường bộ, hàng không và đường thủy. Thành thử, có quá nhiều dầu không được sử dụng và các công ty năng lượng Mỹ đã hết chỗ chứa dầu. Giới phân tích cảnh báo các kho chứa dầu thô sẽ “tràn” vào tháng tới và nhiều công ty Mỹ đang cân nhắc khả năng ngưng sản xuất dầu.

Nguyên nhân khác là hợp đồng giao hàng tháng 5 đã đáo hạn vào ngày 21-4, nên các nhà đầu tư phải “bán tống bán tháo” dầu, dù việc “bán” ở đây thực chất là cho tiền người mua để họ mang dầu đi hộ. Tuy nhiên, có rất ít khách hàng mua dầu WTI giao tháng 5 vì không ai muốn nhận dầu vào lúc này. Các nhà đầu tư, đầu cơ đã lường trước nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của thị trường Mỹ sẽ giảm sâu trong tháng 5 tới và hầu hết các bang ở Mỹ tiếp tục cách ly, hạn chế đi lại trong những tháng tiếp theo, vì thế họ không mặn mà với việc mua thêm dầu dù giá có thấp tới đâu.

Chiều hướng tuột dốc của giá dầu WTI diễn ra trong bối cảnh trước đó Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đối tác, còn được gọi là OPEC+, ngày 12-4 đã nhất trí cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng, từ tháng 5 đến tháng 6 tới. Động thái này được đưa ra nhằm bình ổn giá “vàng đen” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, động thái của OPEC+ đến nay vẫn chưa ngăn chặn được đà giảm của giá dầu trước sự sụt giảm mạnh về nhu cầu sử dụng năng lượng do đại dịch nguy hiểm này.

Hãng tin Sputnik ngày 20-4 dẫn nhận định của Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho biết, ông nghi ngờ thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ gần đây của OPEC và các đối tác là nguyên nhân khiến giá dầu sụt giảm thê thảm. Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ không đủ để bù đắp cho nhu cầu “vàng đen” giảm quá mạnh do dịch Covid-19 gây ra. Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Thái tử Abdelaziz ben Salmane cho biết OPEC+ có kế hoạch tiếp tục điều chỉnh sản lượng theo hướng cắt giảm tới 19,5 triệu thùng/ngày, thay vì 9,7 triệu thùng/ngày theo thỏa thuận đạt được hôm 12-4.

Về phần mình, Chính phủ Mỹ cũng đang đưa ra những biện pháp “cấp cứu” đối với sự mất giá chưa có tiền lệ của dầu. Tổng thống Donald Trump cho biết, chính quyền của ông đã ngừng nhập dầu từ Saudi Arabia, lên kế hoạch tăng 75 triệu thùng dầu dự trữ khi giá dầu giảm mạnh. Hiện nay, Bộ Năng lượng Mỹ đang tiến hành các thủ tục cho phép các công ty xăng dầu của nước này thuê kho dự trữ quốc gia để cất trữ 77 triệu thùng dầu nhằm đối phó tình trạng không có chỗ chứa. Tuy nhiên, giới quan sát cho đây chỉ là giải pháp tình thế, khi việc sản xuất và lưu trữ xăng dầu ngày càng phát sinh nhiều chi phí.

Trước tình hình này, nhiều công ty dầu mỏ Mỹ có nguy cơ phá sản. Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy (Mỹ) cho biết, nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, tính đến cuối năm 2021 sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ sẽ phải đệ đơn xin phá sản. Trong trường hợp giá dầu duy trì ở mức 10 USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ phải phá sản.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là bao giờ thì giá dầu sẽ phục hồi? Câu trả lời vẫn phải phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19. Nếu dịch được kiểm soát sớm thì mua vào là có lợi, nhưng nếu dịch kéo dài khiến nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn giảm, giá của loại “vàng đen” này thậm chí sẽ cần được “giải cứu”.