Cơ hội cuối

Lần thứ ba gia hạn tiến trình Anh rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, EU ra quyết định mang tính linh hoạt hơn và cảnh báo đây là cơ hội cuối cùng để nước Anh giải quyết êm thấm “chuyện nội bộ” nhằm thông qua “thỏa thuận ly hôn”. Khoảng thời gian ba tháng tới cũng được xem là “cơ may cuối” để chính quyền London dàn xếp cuộc rời “mái nhà chung” ít gây xáo trộn nhất, với cả “xứ sở sương mù” lẫn EU.

Biếm họa của CAI MENG
Biếm họa của CAI MENG

Thông báo việc các nước thành viên EU chính thức phê chuẩn quyết định kéo dài hạn chót Brexit đến ngày 31-1-2020, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết trên Twitter: “Gửi những người bạn Anh của tôi, 27 thành viên EU đã chấp thuận gia hạn Brexit. Đó có thể là quyết định gia hạn cuối cùng. Hãy tận dụng tối đa khoảng thời gian này!”.

Bình luận của ông Tusk được đưa ra một ngày sau khi các nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) hôm 28-10 chấp thuận đề xuất của Thủ tướng Anh Boris Johnson lùi ngày London rời EU thêm ba tháng, khoảng thời gian mà EU cho là đủ để nước Anh xử lý các vấn đề nội bộ và hoàn tất tiến trình thông qua thỏa thuận Brexit. Đây đã là lần thứ ba EU bị buộc chấp thuận gia hạn Brexit, sau khi “xứ sở sương mù” không thể đáp ứng những hạn chót vào các ngày 29-3, 30-6 và 31-10 của năm 2019. Thực tế, quyết định gia hạn Brexit cũng xuất phát từ mong muốn của EU là tạo thêm thời gian để cả EU và Anh cân nhắc các tình huống, loại bớt rủi ro, nhất là nguy cơ “Brexit cứng”, trong bối Hạ viện Anh từng nhiều lần bác bỏ thỏa thuận mà chính quyền London đã ký với EU.

Bởi thế, EU để ngỏ lựa chọn cho London, trong một quyết định mà ông Donald Tusk gọi là flextension - thuật ngữ kết hợp giữa flexible và extension, với hàm ý “gia hạn linh hoạt”. Theo đó, thời hạn ba tháng có thể được rút ngắn nếu các nghị sĩ Anh thông qua thỏa thuận Brexit trước hạn chót mới, nghĩa là ngày 1-12 tới, hay ngày 1-1-2020 đều có thể là thời điểm chia tay, miễn là thỏa thuận Brexit vượt qua “cửa ải” Quốc hội Anh. Tất nhiên, EU cũng nhắc lại yêu cầu cũ là không đàm phán lại thỏa thuận Brexit.

Như vậy, thiện chí và sự nhượng bộ của EU đã rõ, việc còn lại phụ thuộc nỗ lực của nước Anh, cụ thể là làm sao tận dụng khoảng thời gian trì hoãn này “một cách hữu ích” như phía EU đã cảnh báo. Miễn cưỡng đề xuất và chấp thuận gia hạn Brexit, nay Thủ tướng Johnson buộc phải tìm cách để thỏa thuận Brexit được thông qua và tiến trình đưa Anh rời EU về đích, theo đúng cam kết mạnh mẽ khi ông nhậm chức Thủ tướng với khẩu hiệu “Do or Die” (Hành động hay là chết). Một trong những lối thoát giúp phá thế bế tắc hiện nay là tổ chức bầu cử trước hạn. Sau thất bại lần đầu khi không vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện hôm 28-10, đề xuất của Thủ tướng Johnson tổ chức bầu cử ngày 12-12 tới đã được Hạ viện thông qua và còn chờ Thượng viện tán thành.

Tuy nhiên, một cuộc tổng tuyển cử sớm cũng đi kèm nhiều rủi ro. Với lời hứa đưa Anh rời EU bằng mọi giá, Thủ tướng Johson từng liên tiếp yêu cầu tổ chức bầu cử trước hạn nhằm chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị liên quan Brexit. Người dân Anh ngày càng mất lòng tin trước tình trạng chính phủ “tê liệt” trước thế bế tắc tại Quốc hội, thỏa thuận Brexit vẫn “treo lơ lửng” tại Hạ viện và không được bảo đảm tìm thấy lối thoát khẩn cấp thông qua một cuộc tổng tuyển cử. Cuộc bầu cử mới có thể giúp đảng Bảo thủ khôi phục thế đa số tại Hạ viện, trao cho Thủ tướng Johnson thêm tầm ảnh hưởng, song cũng có nguy cơ làm gia tăng rủi ro, khi cử tri đánh giá Thủ tướng và đảng cầm quyền không hoàn thành cam kết tranh cử.

Hơn ba năm qua, kể từ sau khi phần lớn cử tri Anh tán thành rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân tháng 6-2016, Brexit đi qua tiến trình dài, với nhiều khúc quanh bất ngờ, song vẫn bế tắc. Kịch bản “Brexit cứng” chưa hoàn toàn được loại bỏ, khi tiến trình Anh rời EU không thể trì hoãn thêm một lần nữa, thỏa thuận chia tay không thể đàm phán lại và không được phê chuẩn. Vì thế, quyết định linh hoạt mới nhất của EU là cơ hội cuối mà nước Anh có thể tận dụng để thoát khỏi “mớ bòng bong” hiện nay.