Châu Á trong vòng xoáy bùng phát dịch Covid-19

Liên tiếp những thông tin gần đây về hàng loạt ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát dịch thứ hai trên diện rộng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chuyên gia y tế khu vực cho rằng, điều cần làm hiện nay để chống dịch hiệu quả chính là thái độ không hoang mang của người dân và nhà chức trách, cũng như nhanh chóng áp dụng những biện pháp kiên quyết và rõ ràng trong việc ngăn dịch lây lan ở mức cộng đồng.

Biếm họa của SONG CHEN
Biếm họa của SONG CHEN

Nếu như một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương từng ghi nhận sự phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả thì hiện nay, ngay cả tại Việt Nam - một trong số ít quốc gia đi đầu trong quá trình dập dịch, đã có dấu hiệu tái phát trở lại những ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã phải áp đặt lại các biện pháp phòng dịch. 

Theo số liệu của WHO, Ấn Độ hiện đứng thứ 3 thế giới và dẫn đầu châu Á về tổng số ca mắc bệnh Covid-19, với hơn 1.480.000 trường hợp, trong đó có hơn 33.400 ca tử vong. Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) của nước này sáng 28-7 cho biết, cơ quan này đã ghi nhận thêm 68 trường hợp mắc Covid-19 trong ngày 27-7 ở Trung Quốc đại lục, trong đó bao gồm bốn ca bệnh “ngoại nhập” và 64 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ tư liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca mắc bệnh mới tăng cao. 

Còn tại Nhật Bản, tính đến ngày 28-7, tốc độ lây nhiễm đang lan nhanh hơn bao giờ hết, nâng tổng số người mắc bệnh tại Thủ đô Tokyo lên 11.345 trường hợp, chiếm khoảng một phần ba tổng số bệnh nhân trong cả nước. Trong khi đó, dù hầu hết các khu vực ở Australia đều đã khống chế thành công dịch Covid-19, nhưng đợt bùng phát dịch bệnh tại bang đông dân là Victoria đã khiến nhà chức trách phải tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan rộng trên toàn quốc. Các nước châu Á khác như Hàn Quốc, Philippines, Indonesia… cũng đang cân nhắc việc tái áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn sau khi chứng kiến số ca mắc tăng cao.

Báo cáo mới nhất của WHO cho thấy, tính đến sáng 28-7, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu là gần 16.630.000 ca, trong đó có hơn 655.000 người tử vong. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận hơn 10.217.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn gần 66.600 ca và hơn 5.756.000 ca đang phải điều trị tích cực. Triều Tiên là quốc gia mới nhất (thứ 214) thông báo chính thức có ca dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên. 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi chỉ trong sáu tuần qua. Trong khi đó, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan kêu gọi chính phủ các nước cần phản ứng nhanh chóng và thông tin một cách minh bạch nhằm bảo đảm số lượng ca mắc Covid-19 thấp cũng như các ổ dịch “không liên tục tái bùng phát và lây nhiễm cao trong cộng đồng”. Theo ông Ryan, để kiểm soát một cách hiệu quả tình trạng gia tăng trở lại số ca mắc Covid-19, các nước cần một sự can thiệp “kiên quyết, rõ ràng và liên tục” ở mức cộng đồng. Một điều quan trọng không kém là chính phủ các nước cần “trung thực và đáng tin cậy” cũng như “thông tin sự thật” cho công chúng.

Vòng xoáy mới bùng phát dịch Covid-19 đang bao vây không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn trên phạm vi toàn cầu. Tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 27-7, ông Ghebreyesus cho biết, các quy định hạn chế đi lại không mang tầm nhìn dài hạn và các quốc gia cần hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, bằng cách thực hiện các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở nơi công cộng. WHO khuyến cáo, hơn lúc nào hết, giới chức và người dân các quốc gia cần thể hiện thái độ bình tĩnh trước các thông tin tiêu cực và có cách hành xử tự giác, tự nguyện trong phòng, chống dịch bệnh.