Can dự tích cực

Trong loạt hoạt động đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Mỹ, Australia, Ấn Độ và Đức. Ưu tiên trao đổi với các quốc gia cùng chia sẻ mục tiêu về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Tokyo gửi đi thông điệp về can dự tích cực hơn tại khu vực địa chiến lược quan trọng kết nối hai đại dương.

Biếm họa của EBERT
Biếm họa của EBERT

Trong chưa đầy một tuần sau khi nhậm chức lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản hôm 16-9, Thủ tướng Suga đã có một loạt cuộc trao đổi ý kiến với các nhà lãnh đạo thế giới, không chỉ với đồng minh Mỹ hay các nước láng giềng Hàn Quốc, Trung Quốc mà cả các đối tác châu Âu. Đáng chú ý, trong danh sách lựa chọn đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản, ngoài Mỹ, Ấn Độ và Australia là các đối tác cùng Nhật Bản hình thành liên minh “tứ giác chiến lược” mới, còn có Đức là quốc gia vừa công bố chính sách can dự mới tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy, chính phủ mới ở Nhật Bản duy trì chính sách đối ngoại đa phương, tiếp tục theo đuổi tầm nhìn về “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Nổi bật trong các cuộc trao đổi ý kiến giữa lãnh đạo Nhật Bản với các đối tác Mỹ, Ấn Độ và Australia thuộc “Tứ giác kim cương” là cam kết hiện thực hóa tầm nhìn chung về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Thủ tướng Suga và Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng khẳng định liên minh Nhật - Mỹ là nền tảng cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Thủ tướng Suga và người đồng cấp Australia Scott Morrison nhấn mạnh ưu tiên thực hiện các cam kết trong thỏa thuận an ninh ba bên Mỹ - Nhật - Australia. Cùng khẳng định ủng hộ nỗ lực chung xây dựng khu vực hòa bình, ổn định và dựa trên luật lệ, Thủ tướng Suga và người đồng cấp Ấn Độ N.Modi cũng nhất trí nâng tầm mối quan hệ đối tác toàn cầu và hợp tác chiến lược đặc biệt giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Phía Nhật Bản tái khẳng định, Mỹ, Australia và Ấn Độ đều là các đối tác chủ chốt trong chiến lược tăng cường của Tokyo tại châu Á.

Các cuộc điện đàm của Thủ tướng Suga với những người đồng cấp Đức, Anh và Chủ tịch Hội đồng châu Âu làm nổi bật mục tiêu của Nhật Bản mở rộng hợp tác với các “đối tác cùng chí hướng” ở châu Âu. Anh và Pháp từng thể hiện ủng hộ hợp tác trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mới nhất, Đức chính thức gia nhập câu lạc bộ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với bản chiến lược mở rộng quan hệ đối tác tại khu vực. Thủ tướng Suga cùng người đồng cấp Đức Angela Merkel cùng cam phối hợp trong các vấn đề chung của khu vực. Thủ tướng Suga và người đồng cấp Anh Boris Johnson nhắm tới các cơ hội hợp tác thời “hậu Brexit”, trong đó London ủng hộ và phối hợp Tokyo trong các mục tiêu chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cùng cam kết ở cấp cao, Tokyo cũng có những bước đi chiến lược trên thực tế. Tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản Kitamura Shigeru là quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền Thủ tướng Suga thăm Mỹ. Tuần tới, Tokyo chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa Nhật Bản, Mỹ, Australia và Ấn Độ và là cuộc họp thứ hai của nhóm “Tứ giác kim cương”, với nội dung tăng cường liên kết bốn bên nhằm hiện thực hóa tầm nhìn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đặc biệt, từ ngày 29-9, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Motegi Toshimitsu tới Pháp, Bồ Đào Nha thảo luận với các đối tác châu Âu triển khai các sáng kiến ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; sau đó thăm Saudi Arabia, trao đổi về hợp tác trong khuôn khổ Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Tokyo cũng chuẩn bị kế hoạch đón tiếp Thủ tướng Australia thăm Nhật Bản tháng 11 tới...

Khẳng định duy trì ổn định chính sách đối ngoại là thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu, chính phủ mới của Nhật Bản cũng có những bước đi tăng cường vai trò “người chơi chính” của Tokyo và tìm kiếm điểm kết nối mới với những đối tác, cùng chia sẻ mục tiêu xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ.