Bước tiến quan trọng

Các nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã nhất trí ký thỏa thuận này tới năm 2020. Tạm thời, RCEP không có sự tham gia của Ấn Độ, song việc 15 nước hoàn tất đàm phán vẫn được xem là “bước tiến quan trọng” trong nỗ lực của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nhằm cho ra đời một hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương lớn nhất thế giới.

Biếm họa của ZHANG CHENGLIANG
Biếm họa của ZHANG CHENGLIANG

Không đáp ứng mục tiêu hoàn tất RCEP trước cuối năm nay, song các nhà lãnh đạo các nước ASEAN cùng đối tác cam kết ký “FTA thế hệ mới” này vào năm 2020. Sau các cuộc thương lượng bên lề kỳ họp cấp cao lần thứ 35 của ASEAN vừa qua ở Thái-lan, 15 thành viên RCEP tuyên bố hoàn thành đàm phán về dự thảo hiệp định gồm 20 chương và hầu hết các vấn đề về tiếp cận thị trường. Ấn Độ tuyên bố chưa tham gia cho tới khi các vấn đề mà New Delhi quan ngại được tháo gỡ, hoặc giải quyết một cách thỏa đáng.

RCEP được khởi xướng năm 2012, giữa 10 nước thành viên ASEAN với sáu đối tác là các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand và Ấn Độ. Trước khi khởi động đàm phán, 16 nước tham gia đã thống nhất mục tiêu đạt được một FTA toàn diện, chất lượng cao và đem lại lợi ích cho tất cả các bên. Nếu được ký kết, RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với khoảng 3,5 tỷ dân và chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu. Với các cam kết về mở cửa thị trường, cả về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cùng việc đơn giản hóa các thủ tục hải quan và quy tắc xuất xứ, RCEP được cho là sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng của các nền kinh tế thành viên, nhất là các nước ASEAN, cũng như sự phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực và toàn cầu.

Kéo dài gần bảy năm, có thể nói cuộc thương lượng về RCEP là một trong những cuộc đàm phán thương mại phức tạp nhất của thế giới. Điều này xuất phát từ thực tế có nhiều khác biệt, cả về quy mô lẫn trình độ phát triển giữa các nền kinh tế thành viên. Để tất cả các thành viên nhất trí về một mức độ mở cửa thị trường là điều không dễ dàng. ASEAN đã ký FTA với từng đối tác tham gia đàm phán, song giữa các đối tác, không phải nước nào cũng ký FTA song phương với nhau, đáng chú ý là giữa Trung Quốc và Ấn Độ, hay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, vì thế các cam kết mở cửa thị trường cũng ở mức độ khác nhau. Hơn nữa, ngoài trình độ phát triển, các nước cũng có chính sách khác nhau trong nhiều lĩnh vực đàm phán, như cạnh tranh, đầu tư hay quyền sở hữu trí tuệ. Đó là lý do trong quá trình đàm phán, nhiều vấn đề nảy sinh khiến các bên phải nỗ lực tìm giải pháp xử lý, hài hòa lợi ích.

Ấn Độ tạm rút đi khi RCEP bước vào giai đoạn cuối là có lý do. Theo tuyên bố của giới ngoại giao Ấn Độ bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN 35, lý do New Delhi chưa tham gia RCEP là bởi còn lo ngại về việc tiếp cận thị trường, ngành công nghiệp Ấn Độ sẽ chịu tác động tiêu cực, người nông dân nước này sẽ lao đao khi hàng hóa giá rẻ tràn vào Ấn Độ. Các nguồn tin cho biết, Ấn Độ và 15 thành viên RCEP chưa thống nhất được một số vấn đề cốt lõi, nổi bật là thuế quan, rào cản phi thuế quan và thâm hụt thương mại. Tuy nhiên, không tham gia RCEP Ấn Độ cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội, nhất là với chiến lược kết nối với châu Á, tham gia các chuỗi cung ứng hay thu hút đầu tư nước ngoài.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang tạo ra nhiều “trở lực” với các tiến trình đa phương hóa và toàn cầu hóa, đàm phán thành công RCEP góp phần tạo lập cấu trúc thương mại mới, thúc đẩy tự do và thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững. Theo đánh giá, dù không có Ấn Độ, giá trị của RCEP cũng vẫn lớn gấp đôi so Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). RCEP còn được kỳ vọng góp phần đem lại sự ổn định đáng kể, giữa lúc căng thẳng chiến lược gia tăng ở khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Sau bảy năm đàm phán cam go, 15 nước đã nhất trí kế hoạch ký RCEP, cho dù thiếu vắng một thành viên. Đây được xem là bước tiến lớn trong thúc đẩy trao đổi thương mại và kết nối các nền kinh tế khu vực.