Bước đi ngược chiều

Thực hiện tuyên bố đưa ra cách đây sáu tháng, Nhà trắng đã chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST). Lo ngại trước bước đi ngược chiều mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump, nhiều nước, gồm cả các đồng minh của Mỹ, đã cảnh báo về rủi ro đối với cơ chế kiểm soát vũ khí trên thế giới và nỗ lực xây dựng lòng tin toàn cầu.

Biếm họa của MIRCO TOMICEK
Biếm họa của MIRCO TOMICEK

Trong thông báo hôm 22-11, Lầu năm góc tuyên bố Mỹ chính thức không còn là một bên tham gia OST, sau khi hoàn tất các thủ tục trong sáu tháng theo quy định. Trước đó, với cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản của Hiệp ước, Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi OST và khởi động tiến trình rời đi từ ngày 22-5 vừa qua. 

Với 34 nước thành viên tham gia, OST được ký năm 1992 và có hiệu lực từ năm 2002. Dựa trên cơ chế “mở cửa bầu trời”, Hiệp ước cho phép các nước thành viên thực hiện những chuyến bay giám sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau. Đây được xem là nỗ lực quốc tế có phạm vi rộng nhất nhằm thúc đẩy cởi mở và minh bạch thông tin về các lực lượng vũ trang và hoạt động quân sự. Với tinh thần cao nhất là xây dựng và củng cố lòng tin, OST được các nước tham gia đánh giá cao, kể cả các nước châu Âu, cho dù đến nay, những thách thức an ninh không như giai đoạn đầu sau Chiến tranh lạnh.

Với mục tiêu và vai trò quan trọng như vậy, OST cũng được các chính quyền Mỹ trong giai đoạn vừa qua duy trì thực hiện. Ngay cả thời điểm cao trào tranh cãi qua lại giữa Mỹ - châu Âu và Nga liên quan các cáo buộc vi phạm cam kết theo Hiệp ước, Washington cũng không đề cập khả năng rút khỏi OST, mà tìm cách đối thoại để giải quyết bất đồng. Bởi thế, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi cam kết chung theo OST đã dấy lên lo ngại trong dư luận quốc tế. 

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, việc Mỹ rút lại các cam kết đặt OST trước nguy cơ sụp đổ, song Moscow sẽ nỗ lực tìm kiếm bảo đảm từ các bên còn lại để thúc đẩy thực thi đầy đủ các nghĩa vụ theo Hiệp ước. Nga cũng xúc tiến chương trình nghị sự mới, trong đó có việc phân bổ lại chi phí tài chính liên quan hoạt động của Ủy ban tham vấn Bầu trời mở (OSCC), thay thế các đại diện của Washington, bảo đảm hoạt động của OSCC không bị gián đoạn. Trung Quốc nêu rõ, bước đi ngược chiều của Mỹ làm xói mòn lòng tin an ninh, sự minh bạch thông tin quốc phòng giữa các quốc gia, ảnh hưởng nghiêm trọng cơ chế kiểm soát vũ khí toàn cầu và tiến trình giải trừ quân bị trên thế giới.

Không đồng tình với việc Mỹ bỏ qua lo ngại của các đồng minh để thực hiện bước đi riêng, các nước châu Âu khẳng định tiếp tục thực thi OST. Bộ Ngoại giao Đức nêu rõ, Berlin không thay đổi lập trường và tiếp tục tuân thủ cam kết theo Hiệp ước, mà Đức coi là một cấu thành quan trọng của cấu trúc kiểm soát vũ khí, góp phần xây dựng lòng tin lẫn nhau và bảo đảm an ninh ở Bắc bán cầu. Theo nhiều thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong bối cảnh căng thẳng và nghi ngại gia tăng giữa Nga và phương Tây, OST được xem là yếu tố then chốt để xây dựng lòng tin, tăng cường minh bạch và an ninh, giảm thiểu hiểu lầm có thể leo thang thành xung đột. Bởi thế, dù được Mỹ vận động ráo riết, các nước NATO vẫn khẳng định ưu tiên duy trì OST. Tổng Thư ký NATO cho biết, khối đồng minh quân sự xuyên Đại Tây Dương tiếp tục tuân thủ, củng cố các thỏa thuận và cơ chế nhằm kiểm soát vũ khí, phục vụ bảo đảm an ninh NATO.

Tình hình an ninh thế giới có những chuyển biến nhanh, khó lường, với cạnh tranh chiến lược nước lớn ngày càng gay gắt. Bước đi ngược chiều của Mỹ không chỉ làm suy yếu các cơ chế kiểm soát vũ khí, mà còn khiến tình trạng mất cân bằng chiến lược toàn cầu thêm nghiêm trọng, đe dọa an ninh và ổn định của thế giới. LHQ từng cảnh báo, việc chấm dứt OST mà không có hiệp ước nào thay thế sẽ gây xáo trộn, tạo khoảng trống cho chạy đua vũ trang và những tính toán sai lầm.