Brexit không trì hoãn

Nước Anh sẽ rời Liên hiệp châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, vào ngày 31-10 tới, dù có thỏa thuận hay không là thông điệp được các nhà lãnh đạo Anh liên tiếp khẳng định trong những ngày gần đây. Các động thái mới nhất cho thấy nội bộ nước Anh đã đạt được sự thống nhất cao hơn về Brexit, trong khi EU cảnh báo Anh sẽ phải chịu trách nhiệm nếu diễn ra kịch bản “Brexit cứng”.

Biếm họa của MARIAN KAMENSKY
Biếm họa của MARIAN KAMENSKY

Trong tuyên bố mới nhất, Bộ trưởng Tài chính Anh Sajid Javid nêu rõ: “Hy vọng chúng tôi rời đi với một thỏa thuận. Nếu không đạt được thỏa thuận, tôi cho rằng quan trọng là vẫn ra đi bất luận thế nào”. Ông nhấn mạnh việc Anh rời EU vào ngày 31-10 mà không có thỏa thuận dù không phải là một kịch bản hoàn hảo nhưng “thích hợp”. Đề cập việc Quốc hội Anh đã thông qua luật yêu cầu Thủ tướng hoãn Brexit trong trường hợp không đạt được thỏa thuận với EU, ông Javid khẳng định đạo luật được Quốc hội thông qua khiến tình hình khó khăn hơn, song chính sách của Anh hoàn toàn không thay đổi và sẽ ra đi vào ngày 31-10.

Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng kiên quyết giữ vững lập trường trong tiến trình rời EU, khi tuyên bố ông sẽ không tìm cách gia hạn Brexit bất chấp việc Quốc hội Anh thông qua dự luật do các đảng đối lập khởi xướng, buộc ông kéo dài thời hạn “ly hôn”. Phát biểu ý kiến trước Quốc hội sau khi cơ quan này làm việc trở lại, Thủ tướng Johnson đã trả lời mạnh mẽ “Không” khi các nghị sĩ yêu cầu ông phải đề nghị EU gia hạn Brexit sau ngày 31-10 nếu không thể có được một thỏa thuận, hoặc cơ quan lập pháp Anh không thông qua kế hoạch “Brexit cứng” trước ngày 19-10. Ngoài ra, Thủ tướng Johnson đã chỉ trích các đảng đối lập kêu gọi tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ của ông.

Thời gian qua, những tranh cãi về thời hạn Brexit đang gây chia rẽ nghiêm trọng trên chính trường Anh. Khúc mắc chủ yếu liên quan điều khoản “chốt chặn” về biên giới giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và CH Ireland thuộc EU. Phe bài EU tại Anh kịch liệt phản đối vì cho rằng điều khoản này sẽ khiến Anh mắc kẹt vô thời hạn trong những quy định thuế quan của EU và khó tiến tới mục tiêu tự do về kinh tế.

Tuy nhiên, những động thái mới nhất cho thấy ngày càng có nhiều chính khách trong Chính phủ Anh ủng hộ quyết tâm rời EU của Thủ tướng Anh. Cuối tuần qua, lãnh đạo đảng Hợp nhất dân chủ Bắc Ireland (DUP), bà Arlene Foster đã bày tỏ ủng hộ Thủ tướng Anh Boris Johnson, song nhấn mạnh sẽ không chấp nhận rời EU với những điều kiện khác với phần còn lại của Vương quốc Anh. Bà cũng bày tỏ lạc quan và hy vọng rằng Thủ tướng Johnson có thể thương lượng được một thỏa thuận mới với EU, điều mà bà tin là sẽ bảo vệ hoạt động thương mại của Bắc Ireland. Chủ tịch Hạ viện Anh Ree-Mogg nhận định, nhiều khả năng các nghị sĩ đảng Bảo thủ và phe đối lập sẽ thông qua được một thỏa thuận Brexit nếu Thủ tướng Johnson có được sự ủng hộ của DUP.

Với tình hình nêu trên, nhiều khả năng kịch bản Anh rời EU sẽ chính thức diễn ra vào cuối tháng 10 này. Tuy nhiên, phía EU vẫn khá thận trọng với triển vọng Brexit. Dù cho rằng Anh và EU vẫn có thể đạt được thỏa thuận Brexit với các điều khoản tốt vào cuối tháng 10, song Chính phủ Đức cũng lưu ý hai bên không còn nhiều thời gian. Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen khuyến cáo Anh cần đệ trình một đề xuất cụ thể bằng văn bản với EU và thúc giục hai bên cần thúc đẩy sớm. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo Anh sẽ phải chịu trách nhiệm nếu Brexit diễn ra không có thỏa thuận, bởi đó sẽ là “thảm họa” với cả London và Brussels nếu Brexit diễn ra không theo một tiến trình có tổ chức.

Theo kế hoạch, nước Anh rời EU vào ngày 31-10 tới. Với quyết tâm của Chính phủ Anh và phản ứng từ phía EU như trên, nhiều khả năng Brexit sẽ diễn ra đúng hạn, kể cả không đạt được thỏa thuận. Giới phân tích cảnh báo rằng một khi kịch bản “Brexit cứng” xảy ra, “xứ sở sương mù” sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, việc Anh rời EU kể cả không đạt được thỏa thuận chưa chắc đã phải là quyết định tồi của Thủ tướng Boris Johnson, bởi quyết định dứt khoát này sẽ giúp nước Anh chấm dứt một thời kỳ dài lún sâu trong “vũng lầy Brexit” và có một khởi đầu mới.