“Bom nợ” đe dọa thế giới

Tờ Sydney Morning Herald của Australia vừa dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế cấp cao Stephen Bartholomeusz cho biết, sau đại dịch Covid-19, thế giới sẽ ngập trong “núi nợ”. Điều này dẫn đến nguy cơ khủng hoảng tài chính và đặt ra thách thức vô cùng lớn với các nền kinh tế.

Biếm họa của DAVID WINK
Biếm họa của DAVID WINK

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Stephen Bartholomeusz, thách thức lớn nhất và cũng là hạn chế lớn nhất của các chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình và các ngân hàng trung ương hiện nay là “di sản nợ” đang rất nghiêm trọng. Từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nợ đã ở ngưỡng cao lịch sử trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển. Sau khi dịch bệnh bùng phát, những quả “bom nợ” đang phình to và ngày càng nguy hiểm hơn khi sức chống chịu của các nền kinh tế yếu đi. Các số liệu thống kê cho thấy, trước khi nợ toàn cầu trong giai đoạn đại dịch tăng lên mức 360 nghìn tỷ USD, tương đương 320% GDP toàn cầu, con số này đã là 75 nghìn tỷ USD, nhiều hơn mức trước khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Nợ công toàn cầu hiện ở mức cao nhất trong lịch sử, chủ yếu do hậu quả của những “liều thuốc tăng lực” tài chính mà các chính phủ buộc phải “bơm” vào các nền kinh tế ốm yếu của họ. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tại các nền kinh tế phát triển, nợ công được dự báo sẽ tăng gần 19% trong năm 2020, lên mức tương đương 130% GDP toàn cầu. Trong đó, Mỹ đang là “con nợ” đáng lo ngại. Nợ công của Mỹ đã ở mức 16.800 tỷ USD trong năm 2019. Vào tháng trước, con số này là 20.300 tỷ USD và dự báo sẽ đạt khoảng 26.500 tỷ USD trong tháng này. 

Ở một số nền kinh tế phát triển khác, “bom nợ” cũng đang lớn nhanh đe dọa gây bất ổn tài chính. Tại Anh, số liệu thống kê ngày 21-7 cho thấy, các khoản vay mượn của chính phủ đã nhảy vọt lên mức 127,9 tỷ bảng (khoảng 162,3 tỷ USD) trong quý II, chủ yếu bắt nguồn từ các khoản cứu trợ khẩn cấp nhằm phục hồi nền kinh tế vốn bị đình trệ do dịch Covid-19. Thống kê cho thấy, nợ công của “xứ sở sương mù” đã tăng lên mức 1.983 tỷ bảng vào cuối tháng 6, tương đương 99,6% GDP. Tại Australia, nợ chính phủ liên bang, khoảng 387,6 tỷ USD vào thời điểm bắt đầu nổ ra đại dịch, dự kiến sẽ “nở” thành 1.000 tỷ USD hoặc cao hơn.

Trong khi nợ nần như những quả “bom hẹn giờ” đe dọa gây khủng hoảng tài chính như trên, giới phân tích quan ngại rằng, mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu hiện nay chưa đủ sức chống đỡ với một cuộc khủng hoảng tài chính mới. 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, một mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu (GFSN) dường như đã được thiết lập để bảo vệ các nền kinh tế trên thế giới. GFSN bao gồm nhiều tầng, bắt đầu với những đối phó ở trong nước (các chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách vĩ mô thận trọng và sử dụng nguồn ngân sách dự trữ của chính mình), các tuyến trao đổi song phương, những kế hoạch tài trợ mang tính khu vực và sự trợ giúp quốc tế từ các tổ chức đa phương và khu vực như IMF, Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... 

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các chính phủ và định chế tài chính nói trên đã tung ra một số biện pháp hỗ trợ, bảo vệ các nền kinh tế. ADB ước tính đến cuối tháng 6, chính phủ các quốc gia thành viên đang phát triển đã chi 3.300 tỷ USD trong các gói hỗ trợ tài chính. Tuy nhiên, một báo cáo của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về quản lý tài chính toàn cầu đã chỉ ra rằng, cơ cấu phi tập trung hóa hiện nay nói chung thiếu sự phối hợp cần thiết để sử dụng có hiệu quả năng lực tài chính toàn cầu. Giới phân tích quan ngại rằng, sự đối phó với các nguy cơ tài chính theo kiểu “chắp vá và không có phối hợp” như thời gian qua có thể sẽ khiến thế giới phải trả giá đắt.

Một khi nợ nần của các nền kinh tế và những khoản hỗ trợ tài chính không được các định chế tài chính và cộng đồng quốc tế phối hợp kiểm soát tốt, thế giới có nguy cơ lại lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính mới. Đại dịch Covid-19 rồi sẽ kết thúc, nhưng “bom nợ” và nguy cơ tài chính mà nó để lại có thể sẽ là di chứng nặng nề với kinh tế toàn cầu trong hàng thập kỷ tới.