Bạo lực gia tăng ở Afghanistan

Tình trạng bạo lực gia tăng gần đây tại Afghanistan gây quan ngại, trong bối cảnh hạn chót để lực lượng Mỹ rút khỏi quốc gia Nam Á đang đến gần. Trong khi đó, các sáng kiến và nỗ lực mới tiếp tục được thúc đẩy nhằm nối lại cuộc đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan với lực lượng Taliban.

Cảnh sát Afghanistan phong tỏa hiện trường vụ đánh bom xe ở tỉnh Herat. Ảnh: REUTERS
Cảnh sát Afghanistan phong tỏa hiện trường vụ đánh bom xe ở tỉnh Herat. Ảnh: REUTERS

Ngày 13-3, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ra tuyên bố lên án tình trạng bạo lực nhằm dân thường gia tăng tại Afghanistan. Tuyên bố được đưa ra một ngày sau vụ đánh bom xe khiến ít nhất tám người chết, hơn 50 người bị thương và phá hủy hàng chục ngôi nhà tại tỉnh Herat, miền tây Afghanistan. Trong tuyên bố, HĐBA LHQ nêu rõ, các cuộc tiến công nhằm dân thường ở Afghanistan đang ở mức báo động, với mục tiêu là giới chức, nhân viên y tế và cứu trợ nhân đạo. LHQ kêu gọi nhanh chóng đẩy lui bạo lực và bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và hiệu quả của phụ nữ vào tiến trình hòa bình tại Afghanistan.

Trong khi chưa có nhóm nào nhận thực hiện vụ đánh bom hôm 12-3 tại Herat thì ngày 14-3, bạo lực tiếp diễn khiến một nhân viên tòa án ở TP Ghazni và một cảnh sát ở TP Jalalabad chết. Tân Hoa xã dẫn nguồn tin giới chức Afghanistan cho biết, chỉ trong 24 giờ qua, ít nhất 30 người, trong đó có 10 dân thường chết trong các vụ bạo lực và giao tranh ở nước này.

Trong bối cảnh bạo lực chưa có dấu hiệu giảm, cuộc đàm phán tại Doha (Qatar) giữa các đại diện Kabul và Taliban vẫn bế tắc. Chính phủ Afghanistan tuyên bố sẽ cử phái đoàn tham dự hai hội nghị hòa bình do Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy. Theo kế hoạch, Nga chủ trì cuộc đối thoại của Afghanistan tại Moscow ngày 18-3 tới, trong khi hội nghị do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn được tổ chức tại Istanbul vào đầu tháng 4. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến bổ nhiệm một đặc phái viên về vấn đề Afghanistan.

Trong khi đó, người phát ngôn Taliban tuyên bố, Taliban đã nhận được lời mời dự hội nghị hòa bình do Nga thúc đẩy, song chưa đưa ra quyết định về việc tham gia. Về hội nghị tại Thổ Nhĩ Kỳ, Taliban từ chối bình luận.

Trước đó, Nga tuyên bố ủng hộ kế hoạch của Afghanistan thành lập chính phủ lâm thời, trong đó có đại diện của Taliban. Phát biểu ý kiến với báo giới hôm 12-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, việc thành lập một chính quyền lâm thời đa đại diện là giải pháp hợp lý, giúp đưa Taliban hội nhập đời sống chính trị, xã hội tại Afghanistan. Tuy nhiên, Moscow nhấn mạnh, tiến trình này phải do chính người Afghanistan thực hiện.