Bài toán khó của “lục địa già”

Tại Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) diễn ra mới đây, nhiều vấn đề đặt ra với các nhà lãnh đạo khối trước những diễn biến phức tạp có liên quan EU. Trong đó, vấn đề quyền tự chủ chiến lược đã được đưa ra thảo luận nhằm tăng tính chủ động của các nước thành viên, song trong bối cảnh hiện nay, đây vẫn là bài toán khó của “lục địa già”.

Biếm họa của INGRAM PINN
Biếm họa của INGRAM PINN

Trong hai ngày làm việc ngắn ngủi, 27 nước thành viên EU đã phải đối mặt “núi” công việc đồ sộ liên quan nhiều vấn đề nóng, như tình hình đông Địa Trung Hải, vấn đề Belarus, cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, vụ nhân vật người Nga Alexei Navalny nghi bị đầu độc. Các đại biểu cũng thảo luận về phát triển thị trường nội khối, củng cố chính sách công nghiệp và chuyển đổi kỹ thuật số, mối quan hệ với Anh liên quan thỏa thuận London rời EU (Brexit), đối phó dịch Covid-19, tăng cường năng lực cạnh tranh... 

Có thể nói, nếu như tranh chấp lãnh thổ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ở đông Địa Trung Hải có dấu hiệu “hạ nhiệt”, sau khi Ankara quyết định rút tàu thăm dò dầu khí ra khỏi vùng lãnh hải mà Athens tuyên bố chủ quyền, thì hiện nay cuộc xung đột đang leo thang dữ dội ở Nagorno-Karabakh vẫn đang khiến giới lãnh đạo EU đau đầu. Hiện các nhà lãnh đạo EU mới chỉ dừng lại ở việc ra tuyên bố kêu gọi các bên lập tức chấm dứt thù địch, hướng tới một lệnh ngừng bắn lâu dài và giải quyết hòa bình mâu thuẫn, mà chưa đưa ra được cam kết hành động cụ thể. 

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ cuộc xung đột do tranh chấp chủ quyền giữa Azerbaijan và Armenia ở Nagorno-Karabakh nằm ngoài khả năng can thiệp của EU là do vấp phải rào cản từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, được xem là hai quốc gia có liên hệ mật thiết với cuộc chiến. Theo đó, EU không muốn gây thêm căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi hiện nay Ankara không chỉ rất quan trọng về mặt địa - chính trị mà nước này còn nắm trong tay lá bài người di cư, có thể “xả lũ” dòng người di cư vào châu Âu bất cứ lúc nào nếu bị gây sức ép. Trong khi đó, sau thời gian trừng phạt kinh tế Nga, EU có lẽ cũng “thấm đòn” về “tác dụng ngược” của các lệnh trừng phạt này khi nền kinh tế “lục địa già” cũng tổn thất không nhỏ. Những trở ngại này khiến EU chưa thể can dự sâu nhằm hạ nhiệt điểm nóng Nagorno-Karabakh.

Một thách thức khác mà EU cũng chưa có cách giải quyết chính là làm sao nâng cao năng lực cạnh tranh của khối. Điều này càng chứng tỏ sự bức thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan mạnh ở châu Âu. Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen cho rằng, việc xây dựng một ngành công nghiệp cạnh tranh cung cấp 37 triệu việc làm ở EU và chiếm hai phần ba xuất khẩu của khối là rất quan trọng vào thời điểm này, đặc biệt khi dịch Covid-19 đã làm chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Do vậy, thiếu cơ sở sản xuất ở EU cho một số sản phẩm quan trọng, như khẩu trang và thiết bị y tế do phải phụ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài, đã trở thành vấn đề nổi cộm.  

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo EU cũng đang đau đầu với “cuộc ly hôn” chưa trọn vẹn với nước Anh, khi các cuộc đàm phán về mối quan hệ giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit vẫn lâm vào ngõ cụt. Theo bà Von der Leyen, EU muốn có thỏa thuận thương mại mới với Anh nhưng không phải với bất kỳ giá nào. Chủ tịch EC cho biết, hai bên đã đạt được tiến bộ trên nhiều lĩnh vực khó khăn, song những lĩnh vực chính đều còn nhiều vấn đề đang bị bỏ ngỏ; và bảo đảm về một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh bình đẳng là những điểm mấu chốt chưa thể tháo gỡ lúc này.

Trên hết, với những chủ đề mà các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận tại hội nghị cấp cao lần này, có thể thấy EU vẫn chưa nêu bật được tầm vóc của một khối gắn kết theo kỳ vọng của những người đứng đầu khối. Từ Chủ tịch EC Von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EUC) Michel, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel từ lâu đã kêu gọi EU tự nắm vận mệnh và đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế, một phần vì đồng minh bên kia Đại Tây Dương là Mỹ đang ngày càng rời xa châu Âu và rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế quan trọng.

Thế nhưng, với những nguyên tắc và cách tiếp cận hiện nay, EU được cho khó có thể tiến xa hơn với tham vọng của mình. Do vậy, đạt được tiếng nói chung trong tất cả vấn đề là nhiệm vụ hàng đầu của giới lãnh đạo EU hiện nay nhằm định hình “quyền tự chủ chiến lược” của khối.