Bài toán cắt giảm sản lượng của OPEC+

Theo kế hoạch, hôm nay (9-4), Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) sẽ họp bàn việc cắt giảm sản lượng khai thác. Nhiều nguồn tin cho rằng, Saudi Arabia và Nga có thể thống nhất cùng giảm sản lượng khai thác nếu Mỹ cũng thực hiện động thái này.

Biếm họa của INGRAM PINN
Biếm họa của INGRAM PINN

Saudi Arabia và Nga ban đầu lên kế hoạch tổ chức họp vào ngày 6-4, song cuộc họp đã được đẩy lùi lại vào ngày 9-4, giữa bối cảnh giá dầu tiếp tục chịu sức ép do tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ trước đó đã kết thúc hồi cuối tháng 3, sau đó Nga và Saudi Arabia không thể đạt được thỏa thuận về việc tiếp tục cắt giảm hoạt động khai thác trong bối cảnh đại dịch ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu dầu mỏ trên thế giới. Do nhu cầu dầu mỏ giảm khoảng 30%, OPEC và các đối tác, trong đó có Nga, đang tìm cách hạn chế nguồn cung. Tuy nhiên, các quốc gia này muốn những bên khác, như Mỹ, cùng thực hiện.

Người đứng đầu Quỹ đầu tư quốc gia Nga Kirill Dmitriev đánh giá việc thống nhất được thỏa thuận rất quan trọng và giúp bình ổn thị trường dầu mỏ. Hiện Saudi Arabia, thành viên chủ chốt của OPEC và Nga đang tiến “rất gần” đến một thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu. Nga cũng khẳng định sự cần thiết của một thỏa thuận nguồn cung mở rộng, có thể gồm sự tham dự của cả các nhà sản xuất dầu ngoài OPEC+, hiện bao gồm các thành viên thuộc OPEC và một số nước sản xuất dầu ngoài khối, dẫn đầu là Nga.

Những tuần gần đây, giá dầu dần giảm xuống mức thấp chưa từng có trong nhiều năm do tác động của dịch Covid-19 và “cuộc chiến” giá dầu giữa Nga và Saudi Arabia. Nhu cầu dầu mỏ thế giới giảm mạnh sau khi các doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, các chính phủ áp đặt lệnh hạn chế đi lại và nhiều biện pháp khác nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Hồi tuần trước, giá dầu phục hồi ít nhiều từ mức thấp nhất trong 18 năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Riyadh và Moscow sẽ tìm cách tháo gỡ những mâu thuẫn và nhất trí sẽ cắt giảm mạnh sản lượng, ở mức khoảng 10 triệu thùng/ngày hoặc hơn. Trong khi đó, một số thành viên OPEC cũng ủng hộ việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.

Theo kế hoạch, các bộ trưởng năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và đại diện một số tổ chức quốc tế khác sẽ tham dự một cuộc họp trực tuyến do Saudi Arabia chủ trì vào ngày 10-4 tới, trong một nỗ lực kêu gọi Mỹ tham gia vào một thỏa thuận mới về việc cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức phân tích thông tin Stratfor Global Intelligence (Mỹ), hội nghị này khó đạt được kết quả như mong đợi. Nhận định này bắt nguồn từ lập trường của Nga và Saudi Arabia, mong muốn thành lập một liên minh lớn hơn, trong đó yêu cầu Mỹ cũng sẽ cắt giảm sản lượng. Nhưng, trước đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump khẳng định, Mỹ không có ý định áp đặt quy định cắt giảm sản lượng bắt buộc đối với các doanh nghiệp dầu mỏ nước này. Hơn nữa, theo hệ thống luật pháp Mỹ, chỉ duy nhất bang Texas, sản xuất 40% tổng sản lượng dầu đá phiến của Mỹ, có khung pháp lý để thực hiện việc cắt giảm sản lượng ở cấp độ bang. Lần gần đây nhất Texas viện dẫn quy định trên để cắt giảm sản lượng vì lý do chống lãng phí đã cách đây nửa thế kỷ.

Giá dầu giảm mạnh sau thông báo hoãn cuộc họp của OPEC+ nguy cơ bào mòn hy vọng các bên sẽ sớm có hành động để hỗ trợ thị trường năng lượng toàn cầu đang chao đảo vì tác động của dịch bệnh. Giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) lao dốc 8% ngay đầu phiên giao dịch 6-4 tại thị trường châu Á trước khi hồi phục và giao dịch ở mức 26,72 USD/thùng (thấp hơn 5,7% so chốt phiên giao dịch trước). Trong khi đó, giá dầu thô Brent cũng giảm 4,3%, xuống mức 32,64 USD/thùng.

Với triển vọng về kết quả các cuộc họp liên quan giá dầu không khả quan như trên, khả năng các nước xuất khẩu dầu chủ chốt đạt được một thỏa thuận để duy trì giá dầu thô ngọt nhẹ ở mức hơn 30 USD/thùng là rất thấp. Theo đó, tăng giá dầu sẽ còn là “câu chuyện lâu dài và phức tạp” của OPEC+ trong thời gian tới.